1915 Luat Cua Mot Tu Do Y Chi Ban Ke Hoach Cuoc Doi Lua Chon Kiep Song Moi 1
Đầu tháng 09/2021, một bạn nam được giới thiệu tìm đến tôi. Bạn đã trải qua 5 năm liền bị chứng bệnh đau đầu. Những cơn đau dữ dội kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và cuộc sống của bạn. Tuy nhiên, bạn phát hiện ra những cơn đau này không phải do bệnh vật lý, cũng không phải ngẫu nhiên, mà có chủ đích và được điều khiển, bạn gọi là những “thế lực” đằng sau. Bạn cảm nhận rõ có ít nhất 2 “thế lực” tác động vào bạn. Bạn nghĩ mình bị một cô bạn gái dùng bùa, nên khi đau quá, không biết làm gì, lôi cô bạn ấy ra chửi, thì cơn đau vợi dần. Bạn gần như không có niềm tin vào thế giới tâm linh, không hiểu về vong, linh hồn, luân hồi, cũng luôn tự tin rằng mình không bao giờ làm hại ai, vậy nên bạn cảm thấy rất bực bội vì bị các “thế lực” này kiểm soát và hạnh hạ.
Trong một buổi thiền nhóm do tôi dẫn dắt, chúng tôi đã khám ra những kiếp vô cùng tàn ác của bạn. Ít nhất bạn đã có 5 kiếp phạm những tội tày trời. Bạn là những vị tướng sống ở Trung Quốc, Mông Cổ, chuyên đi xâm lược. Bạn thu nạp binh sỹ để phục vụ cho các trận chiến của mình, khi họ ốm yếu thì bạn bỏ mặc hoặc giết chết. Đi đến nơi nào, bạn cũng thẳng tay chém giết, hãm hiếp, cướp bóc. Với người già, trẻ em bạn cũng không tha, cho ngựa dày xéo lên cơ thể họ. Nhiều khi giết chóc chỉ là thú vui của bạn, chứ không cần một lý do gì. Cướp bóc xong, bạn cho phóng lửa đốt hết. Đốt từ nhà cửa, làng mạc, đến thành trì, rừng cây. Khi bạn quay lưng bỏ đi thì phía sau luôn là hoang tàn, lửa cháy, tiếng kêu khóc ai oán, bi thương. Một lần bạn đến một ngôi chùa, gặp vị sư trụ trì đáng kính ở đó. Ngài đã không quản hiểm nguy, khuyên bảo bạn hãy buông đao, ngưng tàn sát chúng sinh, ngưng tạo nghiệp ác. Bạn cười, vờ quay đi rồi bất ngờ dùng đao đâm chết vị sư ấy. Đó cũng chính là người cha trong tiền kiếp trước đó của bạn. Trong những kiếp sống đẫm máu ấy, bạn đã phỉ báng, cướp bóc, đốt phá rất nhiều ngôi chùa.
Đi sâu hơn về nguồn gốc của bạn, chúng tôi thấy bạn đã từng là một linh thú, một con hổ trắng, ở một cõi giới hay hành tinh nào đó rất cao, mà cư dân là những bồ tát đang tu luyện. Bạn được một bồ tát thu nạp, nuôi dưỡng và dạy dỗ. Đến một ngày, bạn ăn trộm thanh kiếm báu của bồ tát, rồi xuống trái đất, tu luyện tà pháp, trở thành yêu ma hãm hại con người. Những kiếp sau bạn tiếp tục đầu thai ở trái đất, trở thành những vị tướng khát máu. Tuy nhiên, chưa khi nào bạn thoát khỏi chủ nhân ở cõi trời khia xưa. Bằng thần thông của mình, ngài luôn nhìn thấy bạn ở đâu, làm gì. Ngài đã dán một lá bùa ở trên đầu bạn. Lá bùa ấy giống như vòng kim cô trên đầu Tôn Ngộ Không, liên tục xiết chặt, gây ra đau đớn, để bắt bạn phải cải tà quy chánh. Những gì bạn đã trải qua chỉ là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng cho những gì bạn đã gây ra. Để chuộc lại lỗi lầm trong tiền kiếp, bạn cần phát tâm sám hối, tu tập trong nhiều kiếp, thậm chí phải xuất gia sống cuộc đời tu sỹ.
Bạn bàng hoàng khi biết được quá khứ của mình, và ngay tối hôm đó đã bật kinh nghe cả đêm. Tôi dự kiến sẽ làm cho bạn một ca thôi miên để giúp chữa lành sâu hơn nữa và nhận thêm chỉ dẫn về sự tu tập của bạn. Kể từ ngay lần tiếp xúc đầu tiên với tôi, hiện tượng đau đầu đã giảm bớt rất nhiều. Tuy nhiên, tôi đã cảnh báo bạn nhiều lần, nếu bạn không chịu hiểu ra và thay đổi, mọi chuyện với bạn sẽ còn tồi tệ hơn.
Bạn trẻ này là một trường hợp tiêu biểu của hiện tượng trốn tránh nghiệp. Không chỉ trong kiếp này bạn đóng vai nạn nhân, coi mình vô tội, mà trong nhiều kiếp trước, bạn đã cố chối bỏ thân phận, nguồn gốc của mình. Hầu như tất cả các chủ thể trong các ca chữa lành đều ít nhiều rơi vào trường hợp này. Chính vì không hiểu nghiệp, trốn tránh nghiệp, nên cuộc đời các bạn đã trải qua có rất nhiều những trầm luân, đau khổ. Ở bài viết này, tôi muốn cung cấp một vài tri thức, đưa ra một số lời khuyên, để giúp cho những bạn đang phải trải nghiệm những bài học từ nghiệp có thể kết thúc sớm hành trình của mình.
Ở chiều kích vật lý, nghiệp biểu hiện ở việc tất cả những hành động, cảm xúc, suy nghĩ của bạn, sẽ đều ảnh hưởng đến chính bạn. Có những việc khi làm thì hậu quả sẽ đến ngay lập tức, có những việc hậu quả sẽ đến trong tương lai. Ví dụ: cho tay vào lửa sẽ bị bỏng ngay, nhưng đốt nhà giết người như bạn trẻ kể trên thì phải đến hàng trăm, hàng ngàn năm sau mới phải trả giá. Nghiệp có thể là xấu hay tốt, đúng hơn nên gọi là gay gắt hay dễ chịu. Nghiệp rộng hơn nhân quả, vì nói đến nhân quả, thường nói đến trong một kiếp, còn nghiệp có thể kéo dài trong nhiều kiếp, thậm chí trải dài từ những kiếp sống ngoài vũ trụ đến trái đất.
Về mặt năng lượng, khi đã có một “tạo tác”, bạn sẽ tạo ra một năng lượng ghi dấu trong linh hồn của bạn. Ở thế giới linh hồn, những năng lượng này không tác động đến bạn, nhưng ngay khi đầu thai xuống trái đất, bạn sẽ bị năng lượng nghiệp tác động. Năng lượng nghiệp chính là một phần năng lượng cấu tạo nên trường năng lượng của con người vật lý. Vậy nên đã là con người, dù có là phàm nhân hay thánh nhân, cũng vẫn bị tác động bởi nghiệp. Để dễ hình dung, bạn có thể tưởng tượng nghiệp dễ chịu như những cục vàng, còn nghiệp gay gắt như những cục đất. Bạn luôn mang trên mình túi đựng cả vàng lẫn đất bạn đã tạo ra. Bạn cần tìm cách bỏ hết cả số vàng lẫn số đất này, để hoàn tất các bài học, tốt nghiệp và giải phóng mình khỏi ngôi trường trái đất.
Đi sâu hơn về bản chất linh hồn, thì toàn bộ số nghiệp mà một linh hồn sẽ tạo ra đã nằm trong một kịch bản tổng do nguồn lập ra khi sáng tao ra linh hồn. Linh hồn được tạo ra để nguồn trải nghiệm và học hỏi một điều gì đó, ví dụ: tha thứ cho người khác, yêu thương chính mình, trân trọng sự sống, … Để học các bài học này, linh hồn được đưa đi đầu thai vào nhiều kiếp sống khác nhau, ở nhiều chiều kích, không gian, thời gian khác nhau. Trên trái đất, linh hồn học hỏi thông qua cơ chế luân hồi, trong đó linh hồn đầu thai nhiều lần xuống trái đất, trở thành nhiều nhân vật khác nhau, sống trong nhiều bối cảnh khác nhau. Để bắt đầu các bài học, linh hồn luôn phạm các sai lầm. Chỉ có phạm sai lầm thì linh hồn mới biết đâu là điều đúng đắn, đâu là mặt chưa hoàn thiện, để từ đó đi sửa sai và hoàn thiện mình. Ở cấp độ linh hồn, thì không có điều gì là xấu, không có điều gì là sai, tất cả đều là những trải nghiệm mà thôi. Nhưng ở chiều kích vật lý, bắt buộc phải có đúng – sai, tốt – xấu để giúp hình thành nên các trải nghiệm. Tương tự như khi bạn chơi các trò chơi điện tử nhập vai, nhân vật của bạn có thể lừa lọc, bắn giết, tàn phá, trong khi con người của bạn không cảm thấy hối lỗi gì, thậm chí còn vui thích.
Dù sứ mệnh xuyên suốt và kịch bản tổng đã được thiết kế, linh hồn vẫn có sự chủ động, hay tự do ý chí của mình. Bằng tự do ý chính của mình, linh hồn sẽ chọn nghiệp nào, hay bài học nào sẽ trải nghiệm trước và khi nào sẽ trải nghiệm. Cũng bởi tự do ý chí, có linh hồn sẽ hoàn thành các bài học rất nhanh, có linh hồn sẽ hoàn thành các bài học rất chậm. Khi đi về quãng thời gian ở thế giới linh hồn, bạn sẽ thấy mình chuẩn bị rất kỹ khi đầu thai trở lại. Ngoài việc tự cân nhắc xem mình sẽ trả những nghiệp nào, với ai, bạn còn được quyết định cả việc mình sẽ đầu thai ở đâu, thời gian nào, bối cảnh ra sao, những sự kiện chính trong cuộc đời là gì. Dĩ nhiên những quyết định này của bạn phải phù hợp với sứ mệnh của linh hồn và được sự hỗ trợ của nhiều vị thầy tâm linh. Những linh hồn học hỏi nhanh là những linh hồn chỉ cần trải nghiệm bài học một lần và sớm giác ngộ ra chân lý, đạt được sự bình an ở trong tâm. Những linh hồn học hỏi chậm là những linh hồn phải đầu thai nhiều kiếp để hoàn tất một bài học, thường ở trong trạng thái bế tắc, tiêu cực.

Những nhiều hiểu biết sai lệch về nghiệp.

  • Thứ nhất, nghĩ nghiệp là sự trừng phạt, bị động. Nghiệp hoạt động khách quan, tinh vi và cực kỳ chính xác. Một cơ chế hoàn thiện và phức tạp như vậy, chỉ có thể là do bàn tay của Thượng đế tạo ra. Mà Thượng đế chính là chúng ta, Thượng đế là tình yêu thương, nên Thượng đế không bao giờ trừng phạt chúng ta. Linh hồn có sự hiểu biết, chủ động trong việc chọn lọc, sử dụng nghiệp, nên không có chuyện linh hồn chỉ chịu đựng sự tác động một chiều của nghiệp. Do đó, trong sự vận hành của nghiệp, cả người trừng phạt và người bị trừng phạt đều không tồn tại. Có chăng là con người vật lý của bạn quá hạn chế, bị ngắt kết nối với linh hồn nên tự nhận mình là nạn nhân mà thôi.
  • Thứ hai, chỉ cần sống hòa bình, không làm hại đến ai, thì sẽ có một cuộc đời hạnh phúc. Quan điểm này bị ảnh hưởng bởi thuyết nhân quả hiện kiếp. Nếu chỉ xem xét nghiệp trong một kiếp sống, thì quan điểm này là đúng. Tuy nhiên, linh hồn là bất tử và đã sống nhiều kiếp sống, nên linh hồn sẽ học bài học của nhiều kiếp sống. Linh hồn sẽ dẫn dắt con người vật lý phải chịu trách nhiệm và hoàn tất các bài học của tất cả những con người vật lý ở các kiếp sống trước đó. Kiếp này bạn sống rất tốt, kiếp trước bạn trót làm sai, thì kiếp này vẫn phải trả quả bình thường. Điều này giải thích nhiều người sống tử tế nhưng vẫn phải trải qua cuộc đời đau khổ.
  • Thứ ba, người đang có cuộc đời yên ổn là người kiếp trước đã làm nhiều việc thiện, còn người trải qua cuộc đời sóng gió là người kiếp trước đã làm nhiều việc ác. Như trên đã phân tích, ai cũng học bài học bằng cách làm những việc sai trái, rồi sửa sai và hoàn thiện mình. Không ai xuống trái đất để chỉ làm người hoàn thiện. Người đang yên ổn chẳng qua là đang trải qua một chặng nghỉ tạm thời. Bài học cho họ đã được hoạch định và chắc chắn sẽ tới. Người đang trải qua sóng gió là người đang trải qua bài học. Khi học xong rồi, họ không cần học lại nữa. Bạn có thể quan sát, hầu hết mọi người dù thời trẻ có khỏe mạnh đến mấy, nhưng cuối đời đều qua đời vì bệnh tật, chứ không phải vì tuổi già. Kể cả những vị tu hành vẫn có thể mắc bệnh như người thường.
  • Thứ tư, gieo nhân nào thì phải gặt quá đó. Quan điểm này hiểu theo nghĩa rộng thì đúng, hiểu theo nghĩa đen, một một thì không. Phổ biến nhất là quan điểm kiếp trước giết người, kiếp này phải đền mạng. Nếu đúng như vậy, thì những người kiếp trước đã ra lệnh giết hàng ngàn, hàng vạn người, thì sẽ phải đầu thai để bị giết hàng ngàn, hàng vạn lần hay sao? Thực ra nghiệp chỉ nhằm mục đích giúp linh hồn hiểu ra bài học, không phải để trừng phạt, nên thay vì bị giết, người đóng vai thủ phạm kiếp trước có thể chỉ bị đánh đập, ngược đãi hay bị lừa một số tiền lớn. Tôi đã gặp những chủ thể kiếp trước là người giàu có, bức tử đến chết hai vợ chồng người làm của mình, kiếp này họ đầu thai lại làm chính bố mẹ của bạn và đối xử rất khắc nghiệt với bạn. Bạn từ chỗ rất hận bố mẹ, đã sám hối và biết ơn họ vì họ đã không bắt bạn phải chết như cách bạn đã từng đối xử với họ.
Từ những hiểu biết sai lầm, dẫn đến thái độ sai lầm về nghiệp.
  • Thứ nhất, thấy nghiệp thật xấu xa, đáng sợ, mong rằng sẽ không gặp nghiệp. Đây là thái độ trốn tránh nghiệp phổ biến, là nguồn gốc của những thái độ và hành động sai lầm khác. Chính vì vậy nên từ “nghiệp” thường gợi lên những điều tiêu cực, là từ để mọi người giải thích cho những tai ương trong cuộc đời mình hay người khác. Thông thường, chính những điều bạn ghét nhất và sợ nhất, thì lại xảy ra đúng với bạn. Hiểu theo luật hấp dẫn, thì là bạn đã hút chúng về. Hiểu theo luật của nghiệp, những điều bạn yếu kém nhất, muốn chối bỏ nhất, sẽ xảy ra đúng với bạn để bạn hoàn thiện mình.
  • Thứ hai, không tin mình đã làm những việc xấu trong tiền kiếp. Ở trong kiếp này, tôi không làm tổn hại bất kể một sinh vật nào, dù là một con kiến. Vậy nên tôi đã rất khó khăn để chấp nhận mình có tiền kiếp là một vị vua sẵn sàng giết hại cả nhà cháu ruột của mình để trừ hậu họa của việc mưu phản. Cảm giác sám hối, đau buồn của tôi khi thiền kết nối với tiền kiếp này đã chứng tỏ nghiệp đó là có thật. Bạn hãy nhớ rằng, con người kiếp này của bạn khác hoàn toàn với con người kiếp trước, và đã hiểu biết hơn nhiều, do vậy những sai lầm bạn không mắc ở kiếp này, có thể là do học được bài học từ chính những sai lầm từ kiếp trước.
  • Thứ ba, không hối lỗi với những việc làm của tiền kiếp, ngay cả khi đã truy cập được đầy đủ thông tin. Việc này xảy ra phổ biến với những bạn mắc nghiệp nặng như giết người hàng loạt, hay có tiền kiếp là những người độc ác nổi tiếng. Thông thường, khi nghiệp trổ ra, các bạn sẽ gặp những biến cố rất lớn như bị trầm cảm, hoảng loạn trong nhiều năm trời, bị những căn bệnh nan y như ung thư, bị vong hành thường xuyên. Ở trí tuệ thông thường, không thể dễ dàng tin mình là những nhân vật đó, không thể dễ dàng chấp nhận mình đã làm những việc làm man rợ như vậy, cũng không thể dễ dàng chấp nhận xin lỗi những người không hề quen biết, không rõ là ai kia. Nhưng đó lại là cách duy nhất để bạn kết thúc được nghiệp.
  • Thứ tư, khi đã hiểu ra, thì tìm mọi cách để thoát khỏi nghiệp một cách nhanh chóng, bất chấp bằng cách nào. Đây cũng là thái độ rất phổ biến. Với mong muốn và quan điểm này, bạn sẽ tìm đến một ông thầy thật cao tay, dù là thầy thuốc, thầy chùa, thầy bói hay thầy pháp, sẵn sàng chi trả một số tiền lớn, để đặt hàng vị thầy giải quyết vấn đề của mình. Với bạn, dù mất một khoản tiền và một chút công sức, nhưng cũng hết sức nhẹ nhàng so với những hậu quả mà bạn đang chịu. Bạn coi đây là một cuộc mua bán, trao đổi, thậm chí là hình thức hối lộ thần linh. “Trần sao, âm vậy” mà. Khi đã chi tiền, bạn có quyền yêu cầu người thầy kia phải giải quyết được, và giải quyết nhanh nhất cho bạn. Tôi đã có nhiều ca làm việc với các chủ thể liên quan đến đạo mẫu, hầu đồng. Hóa ra đạo mẫu, hầu đồng cũng là một kênh kết nối với các vị thầy. Nhưng khi một người tìm đến đạo mẫu, hầu đồng, chi một số tiền lớn chỉ để kiếm được thật nhiều tiền, để lấy được người như ý, hay để thoát được nghiệp, mà không quan tâm đến bài học, đến tu tập, thì rất hay bị vong, thực thể bóng tối giả dạng thần linh dẫn dắt, khiến trong bạn ấy lòng tham và nỗi sợ cứ ngày một tăng lên. Trong các vị thầy kể trên, thầy thuốc có thể giúp bạn chữa được nhiều bệnh, đó là do nghiệp bạn còn khá nhẹ, bài học của bạn chỉ là biết trân trọng cơ thể. Tuy nhiên, với những nghiệp nặng, không một phương pháp chữa trị thông thường nào có thể giúp được cho bạn. Rất nhiều người giàu và siêu giầu cũng phải qua đời vì bệnh ung thư.
Hậu quả của việc trốn tránh nghiệp là khôn cùng.
  • Thứ nhất, bạn sẽ lãng phí nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Do không chịu nhìn ra bài học, muốn đi tắt, muốn dùng tiền để mua bán, hối lộ, nên thiệt hại về vật chất có thể rất nhiều. Trong số những người gặp khó khăn về tài chính, những người từ chối sứ mệnh thường nặng nhất, vì họ cần một cú hích mạnh. Những người không thừa nhận nghiệp, thì tùy theo nghiệp, mà có thể bị ảnh hưởng về tiền bạc hay không. Nghiệp về tiền bạc thường được trả bằng tiền bạc, nghiệp về sinh mạng cũng có thể được trả bằng tiền bạc. Khi nghiệp đến, có nhiều người bỗng chốc xuất hiện, hoàn thành xuất sắc vai diễn của họ để gây cho bạn những tổn hại đích đáng. Ví dụ: người lừa đảo về kinh doanh, người vỡ nợ bỏ trốn, người làm tâm linh không có đạo đức,…
  • Thứ hai, vấn đề của bạn ngày càng nặng hơn. Do nguyên nhân vẫn còn đó, nên nếu bạn đang mắc bệnh thì bệnh tình ngày một nặng, nếu đang nợ nần thì ngày càng nợ nần nhiều hơn, nếu đang bị vong tác động thì vong ngày càng dữ dằn hơn.
  • Thứ ba, bạn không những không hóa giải được nghiệp cũ, mà có thể còn tạo thêm nghiệp mới cho chính mình, đó là nghiệp của vô minh, lòng tham, sự sân hận. Vô minh vì bạn thiếu hiểu biết về nghiệp. Lòng tham vì bạn muốn trả giá một chút, mà lại muốn giải quyết được nhiều. Sân hận vì bạn mong mau chóng để thoát khỏi, tránh né những hậu quả này. Những người mà bạn nhờ giải quyết cho bạn cũng có thể tạo nghiệp, tôi sẽ trao đổi về vấn đề này trong bài viết sau.
  • Cuối cùng, quan trọng nhất, bạn sẽ học lại bài học với cấp độ ngày càng khó khăn hơn. Trong kiếp hiện tại, các vấn đề của bạn sẽ ngày càng nặng. Khi kết thúc kiếp sống, nghiệp này lại được kích hoạt, để sang kiếp sống sau, bạn sẽ tiếp tục gặp lại đúng vấn đề này. Tôi đã gặp nhiều chủ thể đã mất nhiều kiếp sống để chỉ học một bài học về việc tự tin vào chính mình, không sợ hãi, thù hận khi bị giết, tha thứ cho người đã phụ tình mình. Trong một số trường hợp, chính thủ phạm đó đã đầu thai nhiều lần và cứ tiếp tục là thủ phạm cho cùng một hành vi với chủ thể đó.
Để không trở thành người trốn chạy khỏi nghiệp và lãnh nhận những hậu quả nặng nề hơn, có hai nhóm giải pháp bạn cần thực hành.

Nhóm giải pháp đầu tiên là nhóm về thái độ. Có ba điều bạn cần rút ra từ nghiệp.

  • Thứ nhất, nghiệp là quy luật khách quan, không phụ thuộc vào ý chí của bạn. Nghiệp là cơ chế để linh hồn học hỏi. Vì vậy, thái độ đúng đắn và cũng thực tế nhất với nghiệp, là không phản ứng, không sợ hãi, không trốn tránh, trái lại, hãy tận dụng nghiệp như một cơ hội để học hỏi và tiến bộ hơn.
  • Thứ hai, hãy tập trung vào bài học mà bạn cần phải học là gì để kết thúc nghiệp. Đừng tập trung xử lý những hiện tượng bên ngoài của nghiệp, đó không phải là nguyên nhân. Tương tự như việc bạn bị đau đầu, nếu uống thuốc giảm đau, thì cơn đau có thể chấm dứt do cảm giác của bạn đang bị đánh lừa, nhưng những nguyên nhân liên quan đến huyết áp, lưu thông máu, khối u não sẽ không được phát hiện và xử lý. Đương nhiên, khi tác động của nghiệp quá mạnh, bạn có thể sử dụng những phương pháp tạm thời để đủ bình tĩnh, tĩnh táo để xử lý nghiệp. Cũng như trong ca thôi miên, chúng tôi vẫn dùng kỹ thuật đếm và ra lệnh để chủ thể hết bị đau, lạnh hay sợ hãi, rồi mới tìm nguyên nhân từ nghiệp tiền kiếp, vong hay những vấn đề khác. Điều kỳ diệu là khi bạn hiểu ra và kết thúc bài học, thì tất cả các vấn đề trên cơ thể hay cả cuộc sống của bạn cũng sẽ chấm dứt mà không cần có bất kể tác động nào ở thế giới vật lý. Tôi đã gặp những chủ thể ngay sau ca thôi miên, những bệnh mãn tính như đau lưng, đau vai tự dưng biến mất, hay những người có mâu thuẫn đến mức không nói chuyện với nhau, tự dưng liên lạc, nối lại quan hệ.
  • Thứ ba, hãy hiểu rằng nghiệp đến để tạo cơ hội cho bạn tiến bộ, cho bạn có một bước nhảy. Giống như việc khi đi rừng, bạn vô tình để cho rất nhiều dây rợ trói buộc vào hai chân và cơ thể, khi nhìn ra, bạn chỉ việc chặt đứt hết đám dây rợ đó, để thoải mái băng rừng về đích. Những nghiệp càng nặng, lại càng tạo ra bước nhảy lớn. Khi đã hiểu ra bài học cần phải tôn trọng sự sống, không được giết hại, thì bạn không chỉ không bao giờ giết hại bất kể con người nào trong bất kể kiếp sống nào nữa, mà trong bạn còn phát sinh tình yêu với thiên nhiên, cây cỏ, muông thú. Đối với những người có sứ mệnh chữa lành, chữa lành được nghiệp sát sinh, cũng đồng nghĩa với việc một lần nữa phát nguyện đi theo sứ mệnh chữa lành, cũng đồng nghĩa được khai mở những năng lực chữa lành mới. Chính vì vậy, những người chữa lành là những người cần phải chữa lành cho mình nhiều nhất.
Nhóm giải pháp thứ hai là nhóm giải pháp liên quan đến hành động.
Quan trọng nhất là hãy tự chữa lành cho mình. Với những trải nghiệm trong đời sống và những tri thức như tôi vừa chia sẻ, bạn có thể nhìn ra, hay đoán được nghiệp mình đang cần phải trả là gì. Hãy tìm mọi cách thay đổi không chỉ thái độ, suy nghĩ, mà còn hành động. Hãy đảo ngược lại tất cả những điều tiêu cực bạn đã làm, tạo ra một năng lượng tích cực để triệt tiêu tất cả những năng lượng tiêu cực bạn đã tạo ra, dù cho là ở kiếp nào. Bạn là người cần phải học, nên khi chính bạn hoàn tất bài học, thì mọi thứ sẽ được kết thúc nhanh chóng. Hãy luôn kiên trì, nhẫn nại với cả chính mình. Đó chính là cách bạn yêu thương và chấp nhận mình. Bài học nào cũng có thời lượng tối thiểu. Bạn cần hoàn tất thời lượng tối thiểu này thì mới có thể tốt nghiệp.
Thứ đến, hãy tìm đến các phương pháp tu tập và chữa lành. Phương pháp tốt là phương pháp phù hợp với bạn. Đừng quá quan tâm đến ý kiến của người khác, hãy đi theo tiếng gọi của trái tim bạn. Chắc chắn bạn sẽ thay đổi nhiều phương pháp, nên cứ thử nghiệm và đặt hiệu quả là tiêu chí quan trọng hàng đầu.
Cuối cùng, nếu các phương pháp trên chưa hiệu quả, hoặc bạn tự cảm thấy thôi thúc, thì hãy tìm cho mình một người giúp đỡ. Ở cấp độ thấp hơn, đó là người dẫn kênh, giúp bạn nhìn ra được bài học, thông điệp cần thiết, là người giảm bớt những tác động tiêu cực của nghiệp, là cầu nối để bạn gặp những vị thầy khác. Đây chính là những nhà chữa lành. Ở cấp độ cao hơn, đó là người giúp bạn tìm về được nguồn gốc, là người chỉ ra sứ mệnh của bạn, là người dẫn dắt bạn trên con đường tâm linh. Đó chính là những vị thầy mà bạn có thể đã đi cùng với họ qua nhiều kiếp sống.
Nghiệp là một trong những chủ đề tôi yêu thích nhất. Tôi cũng đã nhận được thông điệp sẽ cần viết một cuốn sách về chủ đề này. Chắc chắn tôi sẽ viết. Khi nghiên cứu về nghiệp và cách thức làm việc với nghiệp, tôi chợt nhận ra phương pháp làm việc hiệu quả với nghiệp cũng tương tự như phương pháp xử lý bất kể vấn đề nào khác, đó là luôn phải dựa trên nền tảng tình yêu thương. Nghiệp dạy cho bạn phải biết yêu thương mình, yêu thương mọi người. Bạn hãy yêu thương và chấp nhận chính những ghiệp mình đã tạo ra, yêu thương và chấp nhận chính những tác động mình đang phải chịu từ nghiệp. Đó là lúc bạn nhận được ánh sáng từ Thượng đế, để đi đến đích cuối cùng là trở về với yêu thương, trở về với Người.
Tôi là Giác Minh. Tôi đến với trái đất để giúp thức tỉnh tâm linh, chữa lành linh hồn.
Nguồn: Giác Minh