Macro Photography Vyacheslav Mishchenko 60

no name

Cần và Muốn

cần và muốn

Cần và Muốn,
Dạo gần đây tôi ít chia sẻ gì, vì tôi bận.
Bận gì? Bận tận hưởng cuộc sống.
Macro Photography Vyacheslav Mishchenko 60
Việc trong vườn rất đa dạng, cả ngày làm cái này cái kia trong một không gian xanh đầy sức sống là một dạng tận hưởng. Và điều hấp dẫn nhất là chuyện ăn.
Vườn tôi không có nhiều thứ để ăn, nhiều nhất là chuối, rồi tới đu đủ, sau đó có một ít ổi, mít, cam quýt bưởi chanh dây. Rau thì có các loại cỏ dại, cải, rau đay, bí đao, đậu bắp, bí đỏ… Nói chung chả bao giờ nhiều, nhưng thèm gì thì cứ lang thang trong vườn thế nào cũng moi móc ra được cái gì đó để ăn.
Khi ăn tôi có cảm giác tôi như là một con bọ đang chầm chậm gặm nhấm cái lá. Sướng lắm mấy bạn ơi. Xưa tôi thường đọc là thời phong kiến, vua thì ăn sơn hào hải vị đặc sản này kia ngập cả mặt, còn nông dân tá điền thì khổ lắm suốt ngày làm quần quật thôi. Nhưng giờ tôi thấy nhận xét đó chỉ là một nửa của sự thật.
Giờ trải qua cuộc sống tá điền rồi, tôi mới biết vua có cái sướng của vua, tá điền có cái sướng của tá điền. Vua sướng gì thì không rõ, nhưng làm tá điền rõ là sướng. Khi mà cái thứ rẻ tiền đơn giản nhất như trái bình bát hoàn toàn tự nhiên ven hồ, chín rục hái vô bóp tan vào nước rồi uống, nó sướng như lên tiên mấy bạn ơi.
Xưa lúc chưa về vườn tôi cũng có một số cái ăn sướng, như khi ăn ốc, ăn bún thịt nướng, ăn kem hay uống Coca Cola. Nhưng nếu so sánh những thứ tốn tiền và có phần độc hại đó với một nắm rau dại, mấy chục con giòi hay một trái ổi trong vườn thì tôi phải khẳng định là ở vườn sướng hơn mấy chục lần. Bạn không tin? Do bạn chưa trải qua đấy thôi.
Đời tôi chưa bao giờ sở hữu quá 100 triệu trong tài khoản. Đối với một người thế hệ 8x “Millenial” gốc thành thị, có cha mẹ trung lưu khá giả như tôi, việc đó có vẻ kỳ lạ, vì gần như 100% bạn bè cùng lứa với tôi, ngay cả những đứa làm công ăn lương văn phòng bình thường nhất, không kinh doanh gì cả, thì tất cả họ, không tài sản người nào dưới 5 tỷ đâu, cá biệt một số trong họ có trên trăm tỷ, có người có cả ngàn tỳ, làm ông này bà kia.
Thật ra tôi cũng có một lần có hơn 300 triệu, nhưng ngay sau đó tôi buộc phải dùng để dựng nhà và làm vườn hết cả, vì lúc đó tôi mới về vườn. Còn trước đó, và sau đó, thì chưa bao giờ cầm trong tay số tiền nào lớn. Tôi không đủ sức khỏe để nỗ lực làm được việc gì nói chi là kiếm số tiền lớn. Cả đời tôi là cả một cuộc chiến chống chọi bệnh tật, ngày nào không đau, đó là ngày thành công.
Khi tôi mới về vườn, tôi cứ tưởng là có thể trồng trọt lên gì đó để bán, vì vị trí khá gần SG, nên việc có mảnh đất 7000m2 có thể trồng kha khá thứ, nếu siêng năng, không nhiều tiền thì ít ra cũng đủ ăn.
Nhưng rồi sau nhiều năm tôi nhận ra rằng đất này cũng khá giống như con người tôi, nó cũng dặt dẹo, không phải là đất có thể sản xuất thực phẩm được. Đất san lấp mặt bằng lẫn bê tông cứng như đá này, nước thì ô nhiễm, trồng cây mà sống được là may rồi.
Làm farmstay cũng không được vì khói bụi và Karaoke, mà nói chung dẫu có không bị những thứ phiền hà trên thì tôi vẫn chả làm gì được cả vì sức khỏe tôi cũng chỉ đến thế. Kiểu như một kẻ tàn phế sống trên một mảnh đất tàn phế. Trong vài năm tôi đã rất giận người nhà tôi từ nhỏ đã đặt tôi ở vị trí của một con gà công nghiệp, chịu tất cả những thiệt thòi nhất của cuộc sống công nghiệp, làm cho tôi tàn tạ cả về vật chất lẫn tinh thần rồi để tôi bơ vơ trên một mảnh đất chết cũng do chính họ san lấp mà gây nên. Để mặc tôi tự lo liệu. Tuy trong lòng tôi nhủ thầm “Mày tuổi cũng lớn rồi, đời mày tự lo đi chứ cứ trách móc người này người kia thì được gì”. Nhưng sự ấm ức là không thể tránh khỏi.
“BẤT LỰC” là cảm giác của tôi trong mọi giây phút của cuộc đời mình. Tôi bất lực trước những điều mình mong muốn xảy ra cho cuộc sống của mình. Từ nhỏ tôi đã luôn biết mình muốn gì và cần làm gì để đạt được điều đó, có thể gọi tầm nhìn của tôi phần nào vượt ra ngoài những người xung quanh tôi, và tôi luôn chủ động bước ra, xông pha bão tố để đạt được nó chứ không ngồi đó trông chờ. Nhưng đời không như là mơ, khi sức khỏe không có thì người ta chả có thể làm cái gì nên hồn, đó là thực tế. Mặc cho tầm nhìn xa trông rộng, đủ thứ kỹ năng và vẻ đẹp tuyệt trần tôi vẫn không thể làm được cái chó gì. Làm được gì khi suốt 20 năm mỗi tối chỉ thực sự ngủ được 2-3 tiếng đồng hồ. Và đó chỉ là một trong những chứng bệnh.
Tôi nhìn mọi thứ mình mong muốn cho cuộc đời mình rơi vỡ vụn trước mắt tôi. Tức tối nhìn những người xung quanh dần đạt được những cái họ muốn: tài sản, vợ con, quyền lực…
Tôi cứ nghĩ tôi là một kẻ xui xẻo nhất thế gian suốt mấy mươi năm.
Và sau cùng, giờ đây tôi lại rất ngạc nhiên khi bỗng thấy mình đã trải qua một quá trình thật may mắn. Tôi nhận ra được cái tôi CẦN, và tôi đang có nó. Trong khi mọi người khác, mải mê theo đuổi cái họ MUỐN, và dù có được nó hay không, họ luôn đắm chìm trong những cái MUỐN đó nhưng lại chưa bao giờ hiểu được cái họ CẦN.
Có một bạn nhỏ tuổi hơn mới hỏi tôi: anh nói xấu tốt chỉ là hai mặt của một vấn đề, vậy em hỏi anh, anh có thích ở gần một người sân si, chê bai, tiêu cực luôn làm mình buồn lòng không?
Tôi trả lời: cái em muốn, là được ở bên cạnh người tốt bụng, tích cực, biết điều. Nhưng có thể cái em cần là việc buộc phải ở gần một người sân si, chê bai và tiêu cực.
Tôi đã quan sát cuộc đời mình, và cuộc đời những người xung quanh tôi. Nhưng người đạt được điều họ muốn, có vẻ như họ không bao giờ thanh thản. Đơn cử như vài người bạn tôi ở ké vườn của một anh nhà giàu chủ vườn. Những bạn nghèo đó chẳng có lựa chọn nào khác ngoài sống bữa nay biết bữa nay thôi, họ cũng không thật sự khỏe mạnh, không có tiền bạc gì, họ bị buộc phải chấp nhận cái hiện tại họ đang có, cả công việc khổ cực lẫn những thứ đồ ăn đơn giản trong vườn có sẵn. Họ muốn nhiều thứ lắm: muốn mảnh đất riêng, muốn căn nhà riêng, muốn được đi chơi du lịch đây đó, nhưng cái họ có, chỉ là ăn, ngủ và làm ở một chỗ duy nhất.
Ngược lại với họ, anh chủ vườn thì giàu có, có xe hơi riêng, có thể đi bất cứ nơi nào mình muốn trong chớp mắt. Sáng ở SG, chiều tới Đà Lạt, hôm sau ra Nha Trang. Anh ta có vài miếng đất, có công việc kinh doanh ở SG, có vợ con đầy đủ. Nói chung là mọi thứ mà nhóm bạn nghèo kia mơ ước.
Nhưng khuôn mặt anh ta không có thanh thoát như đám bạn kia. Nếu tôi cùng đám bạn kia ngồi xuống cười nói vui vẻ ăn uống nhồm nhoàm bao nhiêu, lỡ xui mà có anh ta ngồi cạnh thì ai nấy cứ lẳng lặng mà ăn chả muốn nói câu nào, cho dù anh ta không tiêu cực hay gì cả. Anh ta vẫn rất tốt, rất dễ thương, nhưng anh ta vẫn tỏa ra một thứ năng lượng nào đó không dễ chịu. Thứ năng lượng mà tôi gọi là “Năng lượng của tương lai”
Anh ta sống trong tương lai. Anh ta có tiền mua mảnh đất rồi, lên kế hoạch, nghĩ mình sẽ xây cái này, trồng cái này lên nó, sẽ dựng lên nó một nơi đẹp như mơ, nơi mà mọi người có thể tới trải nghiệm, nơi mà cộng đồng có thể kết nối, nơi mà mọi người có thể tới chữa lành. Và vì anh ta có nhiều tiền, anh ta dễ dàng huy động nguồn lực nhân công, vật chất để biến nó thành hiện thực trong một thời gian ngắn.
Anh ta mong nó mau xong, anh ta sung sướng hạnh phúc khi thấy nó thành hình. Nhưng rồi sau khi nó thành hình rồi thì sao? Không còn gì mới cho anh ta thực hiện, thế là anh ta lại mua một chỗ khác, rồi lại có kế hoạch mới. Còn chỗ anh vừa dựng nên, đám bạn nghèo bệnh tật vào ở ké.
Dần dà nhìn rõ mọi người xung quanh mình, tôi thấy người ta, ai cũng đang mải mê đuổi theo thứ này thứ kia. Nếu không phải vật chất thì là công danh, sự nghiệp, công trạng. Họ đạt được rồi, thì họ lại tìm thứ mới để theo đuổi. Còn họ không đạt được thì họ ấm ức, khóc than cho số phận mình. 100 cuộc đời thì giống nhau ở điểm đó cả trăm.
Những con người đó, chưa bao giờ là chính họ.
Vì những điều họ muốn, những hoài bão, những ước ao, những thứ họ mong ngóng đạt được, kể cả những đạo đức những trách nhiệm mà họ cho là họ phải làm theo trong cuộc sống của họ, tất cả, tất cả, không phải là của họ mà chỉ là những lối nghĩ họ đã học được ở đâu đó trong đường đời của họ. Là những thứ họ thấy trên mạng, trên ti vi, trong cuộc đời những người Idol khác, trong lời dạy cha mẹ thầy cô ông bà truyền cho họ.
Chẳng hạn như một người suy nghĩ mình có trách nhiệm phải đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước, phải đấu tranh cho công bằng xã hội, phải làm ra tiền để nuôi sống người thân của mình v.v… đó không bao giờ là họ, mà chỉ là những thứ xã hội in vào não họ. Họ tưởng họ là tác giả của những mong muốn đó, thực ra đó là những gì họ thấy được, học được, kinh nghiệm được từ cuộc sống xung quanh thôi. Đó không phải là con người họ.
Con người họ là những gì đã và đang xảy ra cho họ, tất cả những xấu tốt, đau khổ và sung sướng, những sai lầm và đúng đắn họ đã trải qua. Ông trời đã cho họ tất cả những thứ đó. Ông ta đã cho họ những người cha mẹ tồi tệ, ông ta đã cho họ cái xe tải chèn qua chân họ vân vân và vân vân… Những thứ có khi tốt đẹp, có khi tồi tệ, đã xảy ra với họ, chính là thứ họ CẦN.
Con người thường nhân danh tình yêu để xông pha nỗ lực kiếm tiền, làm này làm kia để lo cho người thân yêu của họ, nhưng đó không phải là tình yêu, mà là cảm xúc. Nếu bạn quả quyết đó là tình yêu, cho tôi hỏi nếu đứa con bạn hy sinh cuộc đời để nuôi nấng quay sang chê bai ghét bỏ bạn, bạn có còn chấp nhận nó hay không? Tình yêu, phải tới từ bên trong bạn. Nếu bạn có thể ôm ấp tất cả những gì đã xảy ra với bạn, tất cả bản chất con người bạn bẩm sinh ra bất kể xấu tốt, thì bạn sẽ không cần phải dựa dẫm vào bất cứ ai để cảm thấy được yêu.
Nhưng con người, họ cứ lấy cái xã hội muốn làm chuẩn, và họ ghét những thất bại, những sai lầm của chính mình, ghét cả những người ngăn cản họ có được cái họ muốn.
Nhưng tôi đã trải qua mọi thứ đó rồi, và tôi khẳng định cho bạn nghe: tất cả những điều đã và đang xảy ra cho bạn, chính là điều bạn CẦN, dù bạn có thích nó hay không.
Tôi thích thành công, tôi thích tiền bạc, tôi thích nổi tiếng. Nhưng tôi chưa bao giờ có được sức khỏe tốt hay vị giác ngon miệng. Cái tôi thật sự cần, trước tiên là một giấc ngủ ngon, sau đó là một món gì đó mà tôi thấy ngon miệng. Và tôi đang có những thứ đó.
Có thể công việc tôi làm đang cực nhọc khó khăn. Nhưng bản chất tôi sinh ra đã muốn dạy bảo người đời và tôi chấp nhận bản chất của tôi. Tôi công nhận không né tránh rằng tôi có tính đó. Và anh muốn dạy bảo người đời thì sao? Thì anh phải biết nhiều hơn những gì người đời biết, và để biết được những điều đó, anh phải sẵn sàng làm những thứ mà người đời không muốn làm.
Chả ai muốn làm trên mảnh đất khô cằn cứng như đá này, thế nên đây chính là mảnh đất mà tôi cần.
Rồi người ta hỏi tôi, anh cố sức cải tạo đất đó cho đã vô, cuối cùng một ngày nào đó nhà nước tịch thu nó, đốn hết cây của anh rồi làm khu chung cư thì sao? Anh cứ trồng cây mãi thế thật là yếu thế.
Thì có thể cái trái đắng đó là thứ tôi cần được nếm, vì ngoài việc trồng cây dưỡng đất ra tôi chả có chiêu thức tinh tướng, làm ăn hay chạy chọt nào để có thể bảo vệ nó không bị người ta lấy đi cả. Vì mấy chục năm nay, nội việc đứng mà không mỏi lưng thôi tôi đã không làm nổi rồi.
Khi mà ông trời đã bằng mọi cách không cho tôi tinh tướng, thì rõ là tôi cần sống đơn giản và biết tập buông bỏ rồi.
Mà tôi cũng thấy cả rồi, những người đủ sức tinh tướng để bảo vệ đất, hay kiếm thêm đất, hay làm được chuyện đội đá vá trời này kia, năng lượng họ không có thanh thoát. Đời họ không có sống trong giây phút nào của hiện tại cả. Họ không có thanh thản. Họ luôn viện lý do nọ kia để than thở rằng mình không thể có được cái mình muốn. Hoặc nếu họ có cái họ muốn rồi họ lại mau chán nó.
Thà tôi và những người bạn yếu, nghèo, sống như những kẻ bị bắt đi kinh tế mới, mà chỉ một ngày của chúng tôi, sống vẫn ra sống hơn những người có khả năng kia sống một đời. Vì những giờ phút những kẻ tinh tướng kia thật sự sống trong hiện tại, cả một đời dài 80 năm của họ, cộng lại không được vài phút. Họ làm hết cái này cái kia để có một vài phút uống cốc cà phê bên bờ biển Hy Lạp rồi sau đó lại vội vàng chạy theo những thứ khác. Trong khi đó tôi ngồi trước cửa nhà bếp mình nhìn ra vườn nhấp một ngụm trà, thấy vườn mình với bờ biển Hy Lạp thật ra cũng chả khác đéo gì nhau.
Đương nhiên tôi có khác những người bị bắt đi kinh tế mới, hay những người nghèo bệnh tật giật gấu áo vá vai ở chỗ – tôi vui vẻ với cái mình cần, trong khi những người nghèo khổ khó khăn đầy xung quanh tôi tất cả đều vật lộn với cái họ muốn. Họ nghèo và khổ, còn tôi nghèo mà không khổ.
Ông trời (GOD) hiển hiện ở vạn vật, ở khắp muôn nơi, bên trong cục đá, trong cái cây, trong chó mèo, trên bầu trời, dưới làn nước, bên trong con người. Khi người ta sống hòa hợp với thiên nhiên, và tâm người ta không còn bị vướng mắc bởi những mong muốn dự định của tương lai. Bỗng nhiên mọi thứ mây mù cản trở tầm nhìn biến mất, và GOD hiển hiện trong họ. Trái lại, những người luôn chạy đi chạy lại lên kế hoạch chuyện này, rồi làm chuyện kia, họ tự đan lấy cho họ một cái kén xấu xí bao quanh mình, cái kén đó che mờ mất GOD bên trong họ, và tự họ làm họ trở nên xù xì.
Nếu bạn có thấy tôi và bảo ơ anh nhìn thật hấp dẫn, tôi hỏi hấp dẫn cái gì? Cái đầu to quá khổ, mũi trâu, mắt nhỏ, mặt rỗ, ốm tong teo. Nhưng rất nhiều người vẫn bảo tôi cuốn hút. Thật ra họ thoáng nhìn thấy được GOD bên trong tôi, vì tôi đã bất lực, vì tôi buộc phải sống với thứ mình cần thay vì chạy theo thứ mình muốn, nên tôi vô tình phá được cái kén xù xì vây quanh lấy mình. Thế nên người ta thấy tôi là người ta thấy được người đủ đầy dù so với đa số người thì chả có cái mẹ gì là đầy.
Dù bạn có đọc hết cái bài dài thòng lòng tới tận chỗ này hay chưa, tôi cũng chả hy vọng có mấy người hiểu và làm theo cái tư tưởng này. Cứ tiếp tục chạy theo thứ mình muốn đi, rồi cứ tiếp tục than vãn đời là bể khổ đi. Đời không phải là bể khổ, cũng chả phải bể sướng. Bất kể bạn muốn gì hay làm được gì, cũng chả bao giờ bạn có thể khiến cho đời bạn sướng hơn được đâu. Khả năng sung sướng của bạn, chỉ to đúng bằng những cái khổ bạn đã trải qua mà thôi.
Nguồn : Facebook Hien Pham Phu

2 bình luận về “Cần và Muốn”

  1. Tôi luôn lướt xuống cuối cùng để đọc bình luận của người khác, nhưng sau khi đọc được kha khá bài vẫn không thấy ai bình luận cả,một web tốt thế này đáng ra phải rôm rả lắm chứ nhỉ.Cảm ơn ad rất nhiều vì những kiến thức “khó tìm” ạ.Chúc web ngày càng phát triển

    Trả lời

Viết một bình luận