Unnamed
Câu chuyện về nghiệp: Hơn 300 năm trước đây, có một chàng trai tên là Châu Vũ, sống ở một vùng quê nghèo của Trung Quốc. Không chịu khuất phục cảnh nghèo hèn, Châu Vũ đã khăn gói lên thành phố, nhận làm đủ các công việc. Thời gian thấm thoát trôi đi, Châu Vũ đã bước sang tuổi 35. Bằng sự chăm chỉ, trung thực, anh đã trở thành một nhà buôn giàu có, tích lũy được một gia sản lớn. Anh không chỉ có nhà cao, cửa rộng, được hưởng tất cả các món sơn hào, hải vị, mà còn có rất nhiều các cô gái đẹp vây quanh. Chính ở khoảnh khắc đó, anh cảm thấy lạc lối, cô đơn đến tận cùng. Anh biết đây không phải cuộc đời dành cho mình.
Anh gác lại công việc, lên núi để tìm sự thanh thản. Ở chốn thâm sơn cùng cốc, anh đã gặp một đạo sỹ ẩn tu. Ngài không bao giờ nhận đệ tử, nhưng không hiểu sao lại chấp nhận anh. Anh được đạo sỹ dạy thiền, dạy đạo, còn được giảng cả về vũ trụ, con người, thiên nhiên. Anh như chạm được chân lý, trong lòng cảm thấy bình an và hạnh phúc. Học với thầy một thời gian, anh từ biệt thầy xuống núi.
Về nhà, anh bàn giao lại tất cả công việc, tài sản, rồi một mình tìm một căn nhà nhỏ trên núi để thiền và suy ngẫm. Anh phát hiện ra mình có năng khiếu với cây cỏ nên bắt đầu tìm hiểu về các loại thảo dược. Một ngày kia, tự dưng hai bàn tay của anh nóng rực, anh lo sợ không biết làm thế nào nên quay lại để hỏi vị thầy của mình. Thầy nói đã nhìn ra năng lực đó của anh từ trước, anh hãy dẫn năng lượng từ ngoài vũ trụ để chữa bệnh, cứu người, và không nói gì thêm. Anh vẫn không tin tưởng vào khả năng của mình nên chỉ chữa cho chính mình mà không chữa cho người khác. Thế rồi trong làng có hai mẹ con bị bệnh đậu mùa, bị dân làng xa lánh, đang sống thoi thóp. Anh quyết định chữa cho hai mẹ con đó. Lạ thay, bằng năng lực bàn tay, kết hợp với những cây thuốc anh tìm được, hai mẹ con đã được chữa khỏi bệnh. Từ đó, anh say mê tìm hiểu, hoàn thiện phương pháp chữa bệnh của mình. Anh đã có thể chữa được tất cả các bệnh dù nặng nhất. Nhiều đệ tử ở khắp nơi cũng tìm đến anh để học.
Tiếng lành đồn xa, anh được triều đình mời vào cung để chữa bệnh cho vua, một căn bệnh với anh rất bình thường và đã chữa thành công cho rất nhiều người. Anh đến kinh thành cùng với người học trò tên Bình Giang mới 17 tuổi của mình. Lạ thay, anh đã trổ hết tài năng, mất nhiều tháng trời chữa cho vua, càng chữa bệnh vua càng nặng. Anh bị vua trách phạt, tước hết danh hiệu, cấm hành nghề y. Anh lên núi hỏi thầy, thầy không nói gì. Anh lặng lẽ về quê sống cuộc đời của một người bình thường, trong lòng luôn đau đáu câu hỏi vì sao mình thất bại.
Nhiều năm sau đó, người học trò Bình Giang đã dùng chính phương pháp của anh để chữa được khỏi bệnh cho vua. Lúc ấy anh cũng đã già, đã trải đủ những năm tháng đau khổ. Gặp lại thầy, thầy mới giảng giải cho anh biết, vị vua lúc đó đang phải trả nghiệp, anh không phải đúng người có thể chữa và đến cũng không đúng lúc. Anh đã vỡ ra bài học lớn nhất của cuộc đời mình.
Vị đạo sỹ đó chính là tôi. Còn Châu Vũ là một cộng sự rất gần với tôi ở hiện tại. Mang theo bài học từ hơn 3 thế kỷ trước, tôi tin tưởng bạn ấy sẽ tiến xa trên con đường hành đạo cứu người.
Ở kiếp hiện tại, tháng 07/2021, tôi tổ chức khóa học “Nhà thôi miên kết nối lượng tử” 03. Có một học viên đến từ một tỉnh phía Bắc. Khi phân nhóm thực hành, bạn nằng nặc xin sang nhóm của tôi. Bạn nói vị thầy tâm linh của bạn muốn bạn sang nhóm của tôi, vì bạn rất cần được tôi hướng dẫn. Buổi thực hành diễn ra với nhiều ca thôi miên, bạn không thôi miên được ai, cũng không ai thôi miên được bạn. Buổi trưa bạn nhắn cho tôi trong tâm trạng lo lắng, thất vọng. Tôi đã an ủi, động viên bạn và hứa sẽ làm ca thôi miên cho bạn. Bạn khóc nức nở khi nghe những lời của tôi.
Buổi thực hành sau đó, bạn tâm sự mình từng được khai mở năng lực chữa lành bằng bàn tay rất mạnh. Bạn đã chữa được cho rất nhiều người, hoàn toàn miễn phí. Thậm chí bạn còn thu xếp cả nơi ăn, chỗ ở cho người bệnh. Chữa bệnh một thời gian, bạn bị những cơn đau, những nỗi sợ tấn công dồn dập, dẫn tới rơi vào trạng thái hoảng loạn, mất tự tin. Bạn đã ngưng chữa bệnh vài năm và tìm đến khóa học của tôi như một lối thoát.
Tôi đã cho dừng thực hành thôi miên, hướng dẫn tất cả mọi người cùng thiền. Trong trạng thái thiền định và cùng kết nối, chúng tôi đã xác định có ba vong liên quan đến các vấn đề của bạn. Vong đầu tiên xuất hiện dưới hình tướng một vị sư. Trong một lần chữa bệnh cho một người bạn đạo, người đó thì khỏi bệnh, còn vong vị sư đó đã từ người bạn nhảy qua và chui vào bộ não của bạn. Vị sư ấy đã xé rách luân xa 6, 7 của bạn và gây ra những cơn đau trong khu vực đầu. Ở tiền kiếp, bạn đã từng là đệ tử của ông ấy, nhưng ăn cắp bí kíp, tự luyện một mình. Bạn không thể luyện thành công vì thiếu vị thầy dẫn dắt. Cả phần đời còn lại bạn sống trong trạng thái bất lực, dằn vặt. Ở luân xa 3 của bạn có vong của một bạn mãng xà. Trong tiền kiếp, mãng xà ấy đã sống rất nhiều năm, tu luyện trong hang núi, bạn và một người bạn nữa đã săn đuổi, chặt đầu bạn ấy. Linh hồn mãng xà đi theo người bạn ở kiếp này, làm cho cô ấy bị bệnh. Khi bạn chữa cho cô ấy, cũng là lúc mãng xà chuyển sang bạn để đòi nợ. Vong cuối cùng không rõ hình dạng, chỉ có một màu tối đen, là vong từ một em nhỏ bạn đã từng chữa bệnh. Ba lần bị vong nhập bạn đều biết, nhưng bạn không hiểu lý do tại sao, và cũng không thể xử lý được. Trong ca chúng tôi đã mời cả ba vong đến, để bạn thành tâm sám hối, chữa lành rồi siêu thoát cho họ.
Kể xong hai câu chuyện, tôi lại nhớ đến bốn điều mà ngay cả Phật cũng không làm được: trí tuệ không thể cho, diệu pháp không thể diễn tả, nghiệp không thể chịu thay và không có duyên thì không thể độ. Chắc hẳn người đệ tử tiền kiếp Châu Vũ và người học trò kiếp này của tôi đã không có đủ duyên để giúp những người bệnh đó nhưng vẫn cố tình giúp, dẫn đến một người thì sự nghiệp tiêu tan, một người chữa xong thì mình lại mắc bệnh. Hai bạn này đã vi phạm nghiêm trọng một nguyên tắc quan trọng của nghiệp, đó là: KHÔNG ĐƯỢC CAN THIỆP VÀO NGHIỆP CỦA NGƯỜI KHÁC.
Nghiệp là một quy luật, trong đó tất cả những hành động, cảm xúc, suy nghĩ của bạn, đều sẽ quay lại với bạn theo một cách nào đó. Nghiệp tác động trở lại vào cả cơ thể, cảm xúc, suy nghĩ, đến mối quan hệ, cuộc sống bên ngoài của bạn. Những nghiệp tác động một cách vô thức, khiến bạn không thể tránh né là nghiệp bạn phải trả. Những nghiệp bạn vẫn có đủ nhận thức, có thể lựa chọn, là những nghiệp bạn có thể vượt qua mà không bị tổn hại. Chính những điều bạn không mong muốn nhất, thì nghiệp lại thường đưa đến. Chính những lúc bạn chủ quan nhất, thì nghiệp lại xả ra.
Nghiệp là một loại năng lượng in dấu ở tầng linh hồn. Khi xuống trái đất, linh hồn buộc phải sử dụng năng lượng nghiệp để tạo nên trường năng lượng của con người vật lý. Vì vậy, đã là con người, thì ai cũng có nghiệp, dù là phàm nhân hay thánh nhân. Thánh nhân chỉ khác phàm nhân ở chỗ, khi nghiệp đến thì không thấy khổ.
Nghiệp không phải sự trừng phạt, vì không tồn tại người trừng phạt và người bị trừng phạt. Chính Thượng đế đã tạo ra các linh hồn, rồi tạo ra cơ chế nghiệp để các linh hồn học hỏi. Ở tầng nhận thức của mình, linh hồn không sợ nghiệp, mà coi nghiệp là công cụ để tiến hóa. Linh hồn cũng có sự chủ động trong việc lựa chọn những nghiệp nào để học hỏi, học hỏi trong thời gian bao lâu. Từ sự lựa chọn ấy, linh hồn mới cùng thiết kế nên các kiếp sống của mình.

Có thể rút ra một số kết luận về nghiệp

Thứ nhất, nghiệp chính là cơ chế học hỏi của linh hồn. Cơ chế này là khách quan và linh hồn luôn tận dụng nó. Thông qua nghiệp, linh hồn sẽ có thêm nhiều trải nghiệm, nhiều tri thức để phục vụ cho sự tiến hóa của Thượng đế và của chính linh hồn. Khi linh hồn đang trả nghiệp, tức là linh hồn đang tiến hóa.
Thứ hai, không một con người vật lý nào có thể trốn tránh nghiệp. Tất cả những nghiệp được tạo ra từ những kiếp quá khứ sẽ phải trả trong những kiếp ở tương lai. Dù con người vật lý không biết, không hiểu, không chấp nhận những nghiệp do những con người trước đó tạo ra, thì vẫn phải chịu trách nhiệm như là của mình. Khi nghiệp trổ ra thì cách tốt nhất là nhận biết bài học để kết thúc nó, nếu không sẽ bị tác động cho đến khi phải quy thuận thì các tác động mới kết thúc.
Thứ ba, là điều tôi muốn nhấn mạnh ở bài viết này, đó là không thể và không nên can thiệp vào nghiệp của người khác. Khi một con người đang phải trả nghiệp, tức là họ đang học hỏi. Can thiệp vào nghiệp của họ, cũng có nghĩa là ngăn chặn sự tiến hóa của linh hồn họ. Nghiệp được tạo ra bởi Thượng đế, bạn không đủ hiểu biết và quyền năng để thực hiện công việc của Ngài. Với con mắt hạn hẹp của con người vật lý, khi đang tác động vào một ai đó, bạn có thể nghĩ rằng đã thay đổi được họ, kỳ thực, ở chiều kích năng lượng, mọi thứ có thể được vận hành theo một cách hoàn toàn khác. Chính chiều kích năng lượng mới quyết định chiều kích vật lý. Khi can thiệp vào nghiệp của người khác, bạn đã vô tình tạo ra một nghiệp mới của chính bạn – nghiệp của sự vô minh. Rồi đến lúc, bạn sẽ phải trả giá để hiểu ra bài học của mình.
Có nhiều cách can thiệp vào nghiệp của người khác. Hóa ra, việc can thiệp vào nghiệp của người khác lại thường được ẩn chứa dưới những động cơ tốt đẹp. Can thiệp vào nghiệp của người khác là một bài học vi tế hơn những bài học thông thường.
  • Thứ nhất, bạn chưa có đủ hiểu biết về nghiệp, nhưng lại rao giảng, bàn luận, phán xét về nghiệp của người khác. Việc bạn tác động vào người khác, làm họ thay đổi quan điểm, hiểu sai lệch về nghiệp, chính là bạn đang can thiệp vào nghiệp của họ. Ví dụ, khi thấy một người thành công, bạn ca tụng người đó đã luôn tạo phước báu ở những đời trước, khi thấy một người đang gặp hoạn nạn, bạn quy chụp người đó những đời trước đều làm đều xấu ác. Việc này là không đúng, bởi ai cùng mang trong mình cả nghiệp dễ chịu lẫn nghiệp gay gắt. Khi một người đang trải qua một quãng đời thuận lợi, đó là lúc người đó nghỉ ngơi và tận hưởng nghiệp tốt. Tuy nhiên, không một linh hồn nào xuống trái đất chỉ để tận hưởng. Chúng ta luôn muốn học hỏi nhiều khía cạnh để hoàn thiện mình. Do đó, chắc chắn sẽ đến lúc con người đó phải trải qua khó khăn, đau khổ, theo đúng hợp đồng linh hồn đã được ký của kiếp sống.
  • Thứ hai, bạn bắt người khác thay đổi theo ý mình, dù đó là ý tốt. Vì không có đủ trí tuệ, rất có thể những gì bạn cho là tốt, là đúng, có thể không tốt, không đúng, không phù hợp với người khác. Sai lầm này hay xảy ra khi bạn đang ở vị trí bề trên, có quyền áp đặt lên người khác. Hoặc khi bạn giúp đỡ họ, lại bắt họ phải thay đổi, phải đạt được điều kiện của mình. Phổ biến nhất là việc bố mẹ can thiệp vào cuộc đời của con cái, muốn con phải chọn một con đường ổn định, ít sóng gió, muốn con phải đi theo con đường bố mẹ đã đi, làm những việc bố mẹ đã làm. Gia đình là môi trường để cho tất cả các linh hồn học bài học về tự do ý chí khi đóng vai người con, và bài học không can thiệp khi đóng vai cha mẹ. Trong các ca chữa lành quan hệ chúng tôi đã thực hiện, rất nhiều chủ thể ngoài việc bị tác động trực tiếp về mặt vật lý bởi người khác, còn tự tạo thêm đau khổ cho mình, bằng việc trách móc, thù hận với người đó, rốt cục không thay đổi được điều gì, còn làm cho quan hệ xấu hơn. Rất nhiều bạn khi siêu thoát vong đã siêu thoát tất cả các vong tìm đến, mà không hiểu rằng có rất nhiều vong cần phải ở lại để hoàn tất bài học hoặc thực hiện nhiệm vụ của hợp đồng linh hồn.
  • Thứ ba, bạn giúp người khác không đúng điều họ thực sự cần. Những điều mọi người thực sự cần, phải là những điều phục vụ cho sự tiến hóa của linh hồn, chứ không phải những điều kiện dễ dàng, thoải mái, hay bất cứ một điều nào khác theo chủ quan của bạn. Việc có những điều kiện dễ dàng, thoải mái hơn có thể làm cho người đó mất đi sự tự tin, tự chủ của mình và sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tự mình phải đối phó với nghịch cảnh. Trong đạo Phật có câu chuyện một người nhìn thấy con sâu bướm đang cố chui ra khỏi kén, đã xé bỏ kén để giải thoát cho sâu bướm, nhưng sâu bướm lại bị chết vì chưa đủ khả năng thích nghi với môi trường. Ngược lại với việc áp đặt con cái, rất nhiều cha mẹ lại chiều chuộng con cái quá mức, dẫn tới con cái ỷ lại, yếu đuối, khó hòa nhập với cuộc sống.
  • Cuối cùng, là điều những người chữa lành phải lưu ý nhất, đó là bạn giúp người khác, mà không để họ hiểu ra được bài học. Như đã phân tích ở trên, nghiệp chính là cơ chế để linh hồn học hỏi. Khi một người đang gặp khó khăn, tức là họ đang học hỏi. Nếu như bạn không nhìn ra được bài học của người đó, mà nhanh nhảu giúp họ, thì vô hình chung, bạn đã tước đi cơ hội học hỏi của họ. Trong hầu hết các trường hợp, khi đang trong quá trình học hỏi, một người thường cảm thấy khó khăn, khổ sở và sẽ luôn cầu cứu bất kể ai mà họ có thể gặp. Vì lòng thương người, bạn rất dễ mắc vào cái bẫy được tạo ra lúc này.
Một vài ví dụ trong cuộc sống:
– Trẻ đi không cẩn thận, bị vấp ngã, người lớn vội nâng trẻ dậy, đánh chừa mặt đất hay cục gạch.
– Cho tiền những người ăn mày còn mạnh khỏe, minh mẫn.
– Làm từ thiện, không phải trường hợp cứu trợ khẩn cấp, nhưng chỉ tập trung tặng nhu yếu phẩm, đồ tiêu dùng.
– Đưa tiền cho những người nghiện ma túy, cờ bạc với mong muốn đây là lần cuối họ mắc vào tệ nạn.
Các ví dụ đối với một người chữa lành:
– Làm cho chủ thể hiểu rằng mình là người cứu khổ cứu nạn, cứ ai khổ là mình sẵn sàng giúp.
– Hướng chủ thể tha thứ cho người khác, mà không chỉ ra việc chính họ cũng có lỗi, dù là trong hiện kiếp hay tiền kiếp.
– Thấy chủ thể bị vong tác động thì tìm mọi cách để siêu thoát vong, mà không quan tâm đến duyên nghiệp của chủ thể và vong.
– Siêu thoát vong mà không chữa lành cho vong.
– Chỉ tập trung vào chữa để chủ thể khỏi bệnh, mà không cần biết nguyên nhân sâu xa từ đâu, chủ thể cần phải thay đổi điều gì. Đây là sai lầm phổ biến nhất của những người đã đủ về năng lực chữa lành, nhưng lại còn non về trí tuệ và trải nghiệm. Những bạn này thường đã được khai mở năng lực chữa lành, có tình yêu thương, lòng trắc ẩn với người bệnh, nên khi gặp họ, không muốn từ chối, mà tìm mọi cách để chữa trị căn bệnh đang hành hạ người bệnh, coi đây chính là trách nhiệm của mình.
Nguồn: Giác Minh