Từ một căn bệnh hen suyễn gặp phải khi nhỏ, tôi vô tình thấy được ảnh hưởng vô hình nhưng quan trọng của thủy triều lên căn bệnh của tôi. Mà bạn biết đấy, Mặt trăng lại là nguyên nhân chính và tác động lớn lên thủy triều và bệnh tôi trở nặng khi thủy triều lên hoặc cùng ngày trăng tròn, do vậy mà tôi đặc biệt lưu tâm đến những chu kỳ đặc biệt của Mặt trăng lên sức khỏe của mình. Không rõ là trùng hợp hay không nhưng lại có sự liên hệ mật thiết đáng ngờ. Không chỉ liên quan trực tiếp đến bản thân mà ngay cả những căn bệnh về tâm thần của người quen của tôi cũng trở nặng vào những ngày trăng tròn. Thông qua tìm hiểu thêm thì những sự kiện, sự việc cho thấy tác động của Mặt trăng lên sức khỏe và cuộc sống của chúng ta là vô cùng lớn mà giới Khoa học vẫn chưa thể chứng minh được rõ ràng. Tôi muốn chia sẻ với mọi người về chủ đề này thông qua những tài liệu sưu tầm sau đây.
- Mặt trăng và chu kỳ kinh nguyệt
Nhiều người vẫn gọi chu kỳ kinh nguyệt là “chu kỳ mặt trăng” và không ít người vẫn tin rằng có sự đồng bộ giữa các chu kỳ của Mặt tẳng và kinh nguyệt của phụ nữ. Niềm tin này xuất phát từ khái niệm rằng trung bình một chu kỳ kinh nguyệt kéo dài 28 ngày, dài bằng một chu kỳ mặt trăng. Mặt trăng mất 27 ngày, 7 giờ và 43 phút để quay một vòng quanh Trái đất và 29,5 ngày để trăng tròn. Trong thập niên 70,80 và 90 của thế kỷ trước, các nghiên cứu cho thấy chu kỳ rụng trứng trùng với thời kỳ trăng non, trăng mới. Một số nghiên cứu cho thấy mối tương quan giữa các chu kỳ của mặt trăng và sự thay đổi của nồng độ melatonin – một loại hooc môn giúp điều chỉnh chu kỳ thức – ngủ và giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt. Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Nepah cho thấy những phụ nữ có chu kỳ rụng trứng trùng với giai đoạn trăng tròn có nhiều khả năng mang thai con trai và những phụ nữ thụ thai trước chu kỳ trăng tròn có nhiều khả năng sinh con gái.
- Mặt trăng và giấc ngủ
Trong nghiên cứu vào năm 2013, Tiến sĩ Cajochen và nhóm của mình từ Đại học Basel, Thụy Sĩ đã tiến hành phân tích dữ liệu với 17 tình nguyện viên từ 20 -31 tuổi và 16 tình nguyện viên khỏe mạnh ở độ tuổi 57. Những người này đồng ý ngủ trong những căn phòng tối, không có cửa sổ trong thời gian nghiên cứu 3,5 ngày. Trong thời gian này, các nhà nghiên cứu đo lường sự thay đổi cấu trúc giấc ngủ, hoạt động của não trong khi ngủ cũng như mức độ melatonin, cortisol. Kết quả cho thấy vào đêm trăng tròn hoạt động não bộ liên hệ với giấc ngủ sâu sụt giảm 30% đồng thời họ cũng cần 5 phút lâu hơn để chìm vào giấc ngủ đồng thời ngủ ít hơn bình thường khoảng 20 phút. Ngoài ra, các tình nguyện viên ngủ không sâu giấc và mức độ melatonin cũng giảm xuống thấp nhất vào ngày trăng tròn. Các nhà nghiên cứu không thể giải thích điều này vì các tình nguyện viên tham gia ngủ trong môi trường hoàn toàn tối không tiếp xúc với ánh trăng vào chu kỳ trăng tròn. “Chu kỳ mặt trăng dường như ảnh hưởng đến giấc ngủ của con người ngay cả khi người ta “không nhìn thấy” hay “không tiếp xúc” với ánh trăng” – Tiến sĩ Cajochen cho biết.
- Mặt trăng và sức khỏe tinh thần
Thuyết Mặt trăng hay hiệu ứng Mặt trăng cho rằng có mối liên hệ giữa các chu kỳ của Mặt trăng với sức khỏe tinh thần con người. Trong từ điển có các từ liên quan đến mặt trăng như “lunacy” nghĩa là “điên rồ, mất trí” hay “lunatic” có nghĩa là điên loạn đều bắt nguồn từ “luna” (mặt trăng trong tiếng La tinh).
Thời Trung Cổ, ở Châu Âu thịnh hành niềm tin vào hiệu ứng mất trí đêm trăng tròn hay còn gọi là hiệu ứng Transylvania khi con người biến thành người sói hoặc ma cà rồng khi trăng tròn. Giới khoa học ngày nay cũng cho rằng mặt trăng đôi lúc có thể tác động đến trạng thái tâm lý của con người: Do mặt trăng tác động đến sự lưu chuyển của nước trong cơ thể sinh vật, trong khoảng thời gian này các hoạt động trong tự nhiên tăng tốc nhanh chóng cho tới khi cực hạn. Điều này lý giải tại sau một số người thường bị mất ngủ, dễ cáu kỉnh. Đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất vào các đêm trăng tròn chính là những người bị bệnh tâm thần, do họ dễ kích động khi bị khiêu khích. Một nghiên cứu năm 1984 cho thấy tỷ lệ tội phạm có khả năng tăng vào những đêm trăng tròn. Các tác giả của nghiên cứu này cho biết điều này có thể do “sóng thủy triều của con người” gây ra bởi lực hấp dẫn của mặt trăng. Nghiên cứu gần đây năm 2009 cho thấy các bệnh viện tâm thần đã tiếp nhận nhiều hơn 23% bệnh nhân vào các thời điểm trăng tròn so với các chu kỳ trăng khác.
- Bệnh nhân người Mỹ
Theo Đài BBC, năm 2005, tại phòng khám thuộc Bệnh viện tâm thần Seattle (bang Washington, Mỹ), bác sĩ David Avery tiếp một người đàn ông 35 tuổi.
Bệnh nhân này gặp phải tình trạng rất lạ: tâm thần của anh thay đổi một cách cực đoan theo đủ cung bậc – từ suy nghĩ tự sát cho đến nhìn và nghe thấy những thứ không tồn tại.
Thói quen ngủ của anh cũng thất thường như vậy, từ mất ngủ hoàn toàn cho đến ngủ li bì suốt 12 tiếng mỗi đêm. Với thói quen giải quyết vấn đề của một kỹ sư, người đàn ông tỉ mỉ lập một cuốn sổ theo dõi tâm trạng, cố tìm hiểu chuyện gì xảy ra với mình.
Bác sĩ Avery đọc kỹ cuốn nhật ký của bệnh nhân và chỉ biết gãi đầu: “Nhịp điệu của chứng tâm thần này làm tôi thắc mắc”. Theo quan sát của ông, có vẻ như tâm trạng và giấc ngủ của bệnh nhân thay đổi theo chu kỳ khuyết – tròn của Mặt trăng.
Nhưng vị bác sĩ gạt qua linh tính. Dù tâm trạng của bệnh nhân quả thật trùng với chu kỳ Mặt trăng, ông không có cách nào giải thích, và cũng không biết làm gì với phát hiện này.
Cuốn nhật ký bị xếp lại và lãng quên trong ngăn tủ.
- Bí mật ngàn năm
12 năm sau, giáo sư Thomas Wehr – nhà tâm thần học nổi tiếng người Mỹ – công bố một nghiên cứu mô tả 17 bệnh nhân mắc chứng rối loạn lưỡng cực chu kỳ nhanh – một dạng bệnh tâm thần trong đó người bệnh chuyển từ trầm cảm sang phấn khích nhanh hơn bình thường.
“Điều khiến tôi kinh ngạc là chu kỳ (tâm thần) của bệnh nhân lặp đi lặp lại chính xác theo cách không ai nghĩ một quá trình sinh học có thể diễn ra như vậy. Tôi tự hỏi liệu có tác động nào từ bên ngoài chi phối những chu kỳ này không” – giáo sư Wehr mô tả.
Trong nhiều thế kỷ, tổ tiên chúng ta tin rằng Mặt trăng ảnh hưởng đến hành vi của động vật, trong đó có con người. Từ tiếng Anh “lunacy” (loạn trí) bắt nguồn từ chữ “lunaticus” trong tiếng Latin, nghĩa trực tiếp là “bị ảnh hưởng bởi Mặt trăng”.
Triết gia người Hi Lạp Aristotle và nhà tự nhiên học La Mã Gaius Plinius Secundus đều tin sự điên loạn và chứng động kinh gây ra bởi Mặt trăng.
Người ta còn đồn phụ nữ mang thai dễ có khả năng sinh con vào ngày trăng tròn. Tuy nhiên, y học hiện đại bác bỏ phần lớn, một phần do dữ liệu sinh đẻ (ngày, giờ) không ghi nhận tính nhất quán của giả thuyết.
Tương tự, bằng chứng về việc chu kỳ trăng liên quan đến bạo lực gia tăng ở bệnh nhân tâm thần, tù nhân… cũng không rõ ràng, mặc dù một nghiên cứu từng ghi nhận tỉ lệ tội phạm đường phố có thể cao hơn trong ngày trăng tròn.
Nhưng bên cạnh đó, một công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Current Biology hồi năm 2014 phát hiện giấc ngủ con người quả thật có khác biệt tùy vào giai đoạn trong chu kỳ trăng, nhưng cơ chế cụ thể thì chưa ai chứng minh được.
- Phát hiện kỳ lạ
Vấn đề chính – theo nhà nghiên cứu giấc ngủ Vladyslav Vyazovskiy (Đại học Oxford, Anh), là trước đây chưa có công trình nghiên cứu nào theo dõi giấc ngủ của bệnh nhân tâm thần đầy đủ trong một hoặc nhiều tháng âm lịch.
Đó chính xác là điều giáo sư Wehr đã làm trong nghiên cứu với các bệnh nhân rối loạn lưỡng cực của mình. “Do mỗi người phản ứng khác nhau với chu kỳ trăng, cách duy nhất là theo dõi từng người trong một thời gian dài, cho đến khi các hình mẫu xuất hiện” – ông mô tả.
Mặt trăng tác động lên Trái đất theo vài cách. Dễ thấy nhất là ánh sáng, trăng tròn xuất hiện cứ mỗi 29,5 ngày, trăng non xuất hiện 14,8 ngày sau đó.
Tiếp theo là lực hấp dẫn vốn tạo ra thủy triều trên các đại dương của Trái đất cứ mỗi 12,4 giờ. Đỉnh triều xuất hiện theo chu kỳ 14,8 ngày – gây ra bởi lực kết hợp của Mặt trăng và Mặt trời; và chu kỳ giảm kéo dài 13,7 ngày ảnh hưởng bởi vị trí của Mặt trăng so với xích đạo của Trái đất.
Một cách trùng hợp, các bệnh nhân tâm thần thay đổi trạng thái đúng theo hai chu kỳ 14,8 hoặc 13,7 ngày. Họ không nhất thiết chuyển từ trầm cảm sang hưng phấn cứ mỗi 14,8 hoặc 13,7 ngày, nhưng nếu xảy ra thì thường rơi đúng vào hai khoảng thời gian đó.
Sau khi đọc nghiên cứu của giáo sư Wehr, bác sĩ Avery chụp lấy điện thoại và gọi cho ông. Lục lại cuốn nhật ký của viên kỹ sư cách đây nhiều năm, họ ngạc nhiên khi thấy tâm trạng của bệnh nhân này thay đổi cũng theo chu kỳ 14,8 ngày.
Bằng chứng tiếp theo củng cố “giả thuyết Mặt trăng”, đó là cứ mỗi 206 ngày, nhịp trạng thái bình thường của các bệnh nhân lại bị gián đoạn bởi một chu kỳ Mặt trăng đặc biệt – hay còn gọi là siêu Trăng.
Bình luận về phát hiện trên, bà Anne Wirz-Justice – nhà nghiên cứu chu kỳ sinh học thuộc Bệnh viện tâm thần Đại học Basel (Thụy Sĩ) – mô tả mối quan hệ giữa chu kỳ Mặt trăng và chứng trầm cảm “có thể tin được”, nhưng “hết sức phức tạp”.
“Không ai hiểu cơ chế của hiện tượng đó ra sao” – bà Wirz-Justice nhận xét.
Riêng giáo sư Wehr hi vọng những phát hiện của ông sẽ mở đường cho các nghiên cứu sâu hơn về ảnh hưởng của Mặt trăng đối với con người trong tương lai.
Nguồn: Sưu tầm