67c2c566b7e2a2e73d48bf1eec43b060

no name

Ngọc trong chéo áo – Tìm đạo đâu xa

bài học, cuộc sống, ngọc trong chéo áo, Phật, phật giáo, tâm, trí tuệ, đạo

Kinh Pháp Hoa Phẩm thứ tám “Ngũ bá đệ tử thọ ký” nhắc đến câu chuyện anh chàng say rượu đến ngủ nhờ nhà người bạn. Người này có việc phải đi, liền đem châu báu ngọc ngà cột trong áo gã say rồi lên đường. Tỉnh dậy, gã vẫn không hề hay biết, lê thân đi khắp nơi kiếm ăn, kiếm mặc hết sức khổ cực. Sau người bạn gặp lại, không ngờ anh bạn say kia vẫn chẳng hề hay biết kho tàng vô giá được tặng nên mãi phải sống kiếp tha phương cầu thực. …

F6b9653d7f9a26c404b780c48ae84506
Kinh Pháp Hoa Phẩm thứ tám “Ngũ bá đệ tử thọ ký” nhắc đến câu chuyện anh chàng say rượu đến ngủ nhờ nhà người bạn. Người này có việc phải đi, liền đem châu báu cột trong áo gã say rồi lên đường. Tỉnh dậy, gã vẫn không hề hay biết, lê thân đi khắp nơi kiếm ăn, kiếm mặc hết sức khổ cực. Sau người bạn gặp lại, không ngờ anh bạn say kia vẫn chẳng hề hay biết kho tàng vô giá được tặng nên mãi phải sống kiếp tha phương cầu thực.
Gã say đó được ví tất cả chúng sinh, lúc nào cũng mơ màng, có sẵn hạt ngọc trí tuệ trong tay, có sẵn khả năng giải thoát mà không hề hay biết. Lúc nào cũng cam phận thấp hèn, bằng lòng với quả vị nhỏ bé, được chút phần Niết-bàn đã cho là đủ. Nay nghe Phật dạy mới hết sức vui mừng vì có khả năng thành tựu Phật huệ, phát nguyện tìm cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đó là chuyện trong kinh, mới nghe có vẻ buồn cười nhưng khi biết hạt châu ấy tượng trưng cho Đại Trí tuệ giải thoát thì dễ chấp nhận hơn mặc dù tu hành để có thể lấy được viên châu báu ấy đem ra sử dụng không phải việc dễ dàng.

Nhưng ít ai ngờ rằng trong cuộc sống, chúng ta không chỉ có trong tay viên đại minh châu cực kỳ quý báu ấy ấy mà còn được ban tặng không ít những viên tiểu châu khác, dễ nhận ra hơn, dễ sử dụng hơn và thật đáng tiếc hầu như tất cả cũng lại bị bỏ quên.

Phật giáo Việt Nam đề cao Phước Huệ Song Tu. Huệ có vẻ cao, ít người với tới nhưng tu Phước có vẻ dễ hơn, ai cũng có thể làm được. Phước cũng không phải là niềm mong cầu của riêng người theo đạo Phật. Chữ Phúc, tượng ba vị Phúc Lộc Thọ, câu Ngũ Phúc Lâm Môn từ lâu đã trở nên quá quen thuộc với người dân Việt. Lên chùa cầu Phúc, đến đền miếu cũng cầu Phúc, đi nhà thờ cũng cầu Phúc nhưng nhiều khi Phúc có sẵn trong nhà lại không hề hay biết!

Có người sinh ra thiếu cặp mắt, người không tay, kẻ không chân. Rồi có người thiếu trí khôn, ngu ngơ đần độn. Phải nói rằng đó là một nỗi bất hạnh lớn lao mà họ phải gánh chịu, dù cầu xin suốt đời cũng không thể thành tựu một mong ước nhỏ nhoi là có được một thân xác bình thường như bao người khác. Thế nhưng những người đủ mắt, mũi, chân, tay lại không nhận là mình đại phước. Vậy thế nào mới là Phúc Đức, thế nào mới là bất hạnh? Vì không nhận thấy mình có phúc nên mải mê mong cầu, không biết trân trọng những gì đang có, thậm chí còn thẳng tay hủy hoại. Nổi cơn điên liền tự chặt tay cho bõ cơn tức. Buồn đời một chút, giận lẫy cha mẹ một chút cũng dễ dàng hủy bỏ thân xác, từ bỏ mạng sống.

Chúng ta có người lúc nào cũng nghĩ mình vô phúc vì mang thân hèn mọn, lúc nào cũng cầu mong được cao sang, đẹp đẽ như người khác. Lại có những người luôn hãnh diện tự hào vì cái thân thể khỏe mạnh, béo tốt của mình, không hề nghĩ tới lúc bị mất đi một bộ phận nào đó, dù có đem đổi hết cả gia sản cũng chưa chắc đã lấy lại được. Với suy nghĩ phân biệt như vậy không biết phải giải thích ra sao khi trên đời này xảy ra chuyện những kẻ cao sang phải bày mọi trò xảo trá để đánh cắp một phần cơ thể của người hạ tiện?
Có lẽ nếu Thượng đế khôn ngoan, thay vì ban thêm chút gì đó, Ngài nên lấy lại những gì chúng ta đã có. Như thế mới mong con người sáng mắt ra, mới biết quý trọng những báu vật mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng, thôi đi những mơ ước viển vông.

Ông cụ kia mong được đi chùa nhưng hoàn cảnh không cho phép. Cụ buồn lắm, bảo vợ, vợ cũng không chịu đi, thật vô phước. Khi được hỏi thăm về con cháu, cụ kể một mạch. Hóa ra cụ có phước quá chừng. Con cái đứa nào cũng thành đạt, nhà cửa đàng hoàng. Trong khi những người già cả khác tan nát cõi lòng vì con cái hư hỏng, vợ chồng ly tán, cụ có thể ăn ngon ngủ yên, lúc cuối đời có thể ra đi thanh thản. Phúc như thế không chịu hưởng, không vui vẻ cùng con cháu còn mong đi chùa cầu xin gì nữa, rồi than thân trách phận? Xem ra không phải một mình cụ, hầu như chúng ta ai cũng đã từng bỏ quên những điều hạnh phúc như thế trong cuộc sống. Đừng chê đó là những thứ nhỏ nhoi. Nếu lỗ nhỏ có thể làm chìm thuyền thì niềm vui nhỏ cũng giúp cho cuộc đời hạnh phúc.

5d904d5687461 1569738070
Ta mặc cảm vì mình không học hành giỏi giang, không thông minh như người khác. Nhưng những người giỏi giang ấy đâu thể làm tốt hết mọi việc trên đời. Họ không thể thêu một bức tranh tuyệt mỹ như người thợ thủ công đầu óc vốn bình thường. Họ cũng không thể làm một việc đơn giản như xây một bức tường, vốn là công việc của những người có chỉ số thông minh không cao lắm. Tạo hóa vốn đã ban cho mỗi người một khả năng riêng và xã hội cần đến sự đóng góp của mọi khả năng đó. Sao ta không thể trân trọng tài năng thiên phú của mình, lại cứ ngồi đó mong cầu có được khả năng như người khác? Tất nhiên việc xã hội có cái nhìn thiên lệch sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng của mỗi người, nhưng vượt qua để xác định cho mình một hướng đi riêng cũng là một khả năng tinh thần cần được phát huy. Không ít người thành công, trở nên giàu có ở mọi lãnh vực, mọi ngành nghề nhờ biết vận dụng những gì mình vốn có. Câu nói “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Nhà Nho bảo “Các tận kỳ tính”, trên phương diện đời thường có thể hiểu một cách đơn giản là mỗi người hãy phát huy hết mọi năng lực Trời ban cho mình. Rồi chúng ta sẽ thấy.

Lão tử viết: “Chúng nhân giai hữu dư, Nhi ngã độc nhược di” (Người đời có dư, Riêng ta thiếu thốn). Thật vậy, người đời quá dư khát vọng cho nên lúc nào cũng thấy thiếu, thánh nhân không có lòng tham nên lúc nào cũng thừa. Người đời sống với cái tâm ranh ma quỷ quyệt nên cuộc sống đầy tai họa. Thánh nhân sống với cái “Xích tử chi tâm” (Tấm lòng của đứa trẻ thơ còn đỏ hỏn) nên lúc nào cũng “Như anh nhi chi vị hài” (Như trẻ sơ sinh, chưa biết cười), an nhiên, vô tư lự. Ông tự nhận mình “Ngã ngu nhân chi tâm dã tai!” (Lòng ta ngu dốt vậy thay). Ước gì chúng ta có được cái ngu dốt ấy.

Lão tử không cầu vì ông không giống người, biết quý cái đã tạo ra mình, ban sự sống cho mình: “Ngã độc dị ư nhân, Nhi quí thực mẫu”. Phật pháp gọi tất cả đó là những hạt châu có sẵn trong vạt áo. Còn chúng ta lại nghĩ mọi thứ đều đến từ bên ngoài. Khi tiếp xúc với một kẻ gian xảo, đáng ghét, năng lượng giận dữ trong ta bùng lên. Ta thường nghĩ năng lượng xấu ấy do kẻ xấu kia đem lại, thực ra nó nằm sẵn trong tâm mỗi người, bên ngoài chỉ giữ vai trò như một tác nhân kích thích vậy thôi. Ngược lại khi tiếp cận một vị tu hành đạo hạnh ta thường nghĩ mình được nhận năng lượng tốt từ họ, không để ý đến năng lượng ấy vốn có trong mình.

Ngoc Trong Cheo Ao
Người ta hay bảo cuộc đời vốn thật khổ, lúc nhỏ lo nuôi con, lúc già lo nuôi cháu, chẳng khi nào được thảnh thơi. Tôi không nghĩ thế. Có lần tôi nói với người bạn rằng anh thật có phúc, được chăm nom hết đứa cháu này tới đứa cháu khác. Anh thừa nhận gần gũi chúng nó giúp mình nuôi lớn năng lượng yêu thương. Quán Từ Bi mãi cũng không hiệu quả bằng. Điều này nói ra nghe thật giản dị, có hơi tức cười nhưng chỉ những người đã qua thực hành tâm linh mới cảm nhận được. Cách đây vài năm, khi viết bài Bên Gốc Vô Ưu, tôi có đề cập đến vấn đề này. Bài viết mượn lịch sử Đức Phật. Khi đọc về cuộc đời Ngài, người ta thường nghĩ về sự thị hiện đản sanh của một vị Phật để cứu độ chúng sinh, ở đây tôi lại nhấn mạnh đến sự thai nghén, sự ươm mầm, nuôi lớn chất Phật của một con người, đại diện cho hàng triệu triệu con người, hoàng hậu Ma-da. Người ta thường bảo sau khi hạ sinh Thái tử vài ngày, hoàng hậu từ bỏ thế gian vì đã tròn đầy phước nguyện. Tôi lại cho đó là sự chấm dứt một chặng đường tìm kiếm. Chúng ta đi tìm gì? Phật tánh! Kiến tánh thành Phật! Thái tử phải đi ra ngoài cửa thành để thấy đời là Sinh Lão Bệnh Tử. Hoàng hậu trong bài viết chỉ nhìn hình ảnh một hài nhi mà giác ngộ. Nhưng đó chỉ là những gì được viết ra bằng kinh nghiệm quán tưởng. Chỉ đến khi thực sự được trải qua kinh nghiệm thực tế mới nhận ra mình đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội. Ai cũng có con, có cháu, nhưng khi nuôi con ta ít có kinh nghiệm đó, một phần vì quá bận bịu, lo toan, một phần vì yếu tố tâm linh chưa chín. Có cô gái kể với tôi rằng cô hay xem các chương trình Cuộc Chiến Chống Ung Thư, và lần nào xem cũng khóc. Đó cũng là một cách nuôi lớn yêu thương. Phật là gì nếu không là Từ bi, Trí tuệ?

Có quá nhiều cách để nhận ra, để nuôi lớn những gì tốt đẹp đang tiềm ẩn trong tâm mình. Mong sao hình ảnh anh chàng cùng tử trong Kinh sẽ không hiện diện trong mỗi chúng ta.

Nguồn: tuongnhan

Squid Game – Sâu sắc, hấp dẫn và đau thương

Mạng xã hội – Khi con người sập bẫy