Có thể nói tính gan dạ (dũng cảm) là một trong những đặc điểm để miêu tả một linh hồn đã trưởng thành, nhưng bạn sẽ cần tập quan sát chính mình để nhận ra 2 dạng gan dạ khác nhau: Một là gan dạ có tính chất sợ hãi/tách biệt, một là gan dạ có tính chất trí tuệ/Tình yêu vô điều kiện.
Khái niệm gan dạ mà bạn hằng biết thì thường gắn với chiều hướng đưa ra quyết định hay hành động nào đó, theo vậy mà trạng thái đứng yên hay ko có quyết định gì thì sẽ được xem là nhút nhát hay hèn nhát – là biểu hiện của sự sợ hãi. Nhưng mọi thứ thì không đơn giản như vậy, vì có những điều bạn cho rằng là sự gan dạ thì thực chất lại là sự nhút nhát/sợ hãi, hay có những điều bạn cho rằng là sự hèn nhát thì thực chất lại là sự gan dạ.
Sự sợ hãi là cơ sở để tạo ra sự tách biệt, vậy nên sự gan dạ có tính chất sợ hãi là sự gan dạ để tạo ra sự tách biệt của bạn trong một thực tại. Đó là khi bạn (cố gắng) thể hiện, chứng minh điều gì đó về bản thân cho người khác thấy, hay đơn giản là tự mình chứng minh cho mình thấy, qua những lựa chọn hay quyết định của bạn. Như thế, sự gan dạ có tính chất sợ hãi thì mang tính nhất thời, là một dạng cảm xúc và phụ thuộc tình huống bên ngoài. Hay có thể nói đó chính là sự gan dạ của bản ngã.
Còn đối với sự gan dạ có tính trí tuệ, đó là trạng thái thường trực của bạn, là khi bạn đã hiểu được rằng tất cả chỉ là một, rằng sự tách biệt chỉ là ảo và bạn sẽ không bao giờ chết dù cho bất kì điều gì xảy ra với bạn ở trong thực tại tách biệt này. Do vậy, sự gan dạ trí tuệ là sự tĩnh tại và an nhiên của bạn dù cho ở trong bất kì hoàn cảnh hay tình huống nào đi nữa, và bạn có thể đưa ra bất kì quyết định hay lựa chọn nào trong cuộc sống mà không phải để thể hiện, chứng minh cho người khác hay chính mình thấy được.
Sự gan dạ trí tuệ có thể lập tức trở thành sự gan dạ sợ hãi chỉ bằng một suy nghĩ hay khi bạn muốn cho người khác thấy được rằng bạn có sự gan dạ trí tuệ (vì bạn đang thể hiện sự tách biệt của mình với người khác). Sự gan dạ trí tuệ mang lại cho bạn sự an nhiên tự tại trước vạn vật, đồng nghĩa với việc bạn không còn sợ hãi trước bất cứ điều gì, nhưng một khi bạn tạo ra suy nghĩ hay nói với người khác rằng “Tôi không sợ điều gì đó” hay “Tôi không sợ điều gì cả” thì ngay lập tức sự gan dạ trí tuệ sẽ trở thành sự gan dạ sợ hãi, vì suy nghĩ hay lời nói ấy đã tạo sự tách biệt, sự đối đầu giữa bạn và điều gì đó hay tất cả mọi thứ bên ngoài bạn.
Do vậy, việc bạn không sợ điều gì đó thì bạn cũng sẽ hấp dẫn điều đó xảy ra tới với bạn tương tự như việc bạn sợ hãi điều đó. Hay nói một cách đơn giản, không sợ hay sợ hãi một điều gì đó thì đều là sự đối đầu, đối nghịch để tạo ra sự tồn tại của điều đó ở trong thực tại của bạn. Cho nên, nếu bạn muốn một điều gì đó ở trong một thực tại không xảy ra hay tác động đến bạn thì bạn chỉ cần đưa mình ra khỏi trạng thái sợ hãi lẫn không sợ hãi điều đó mà thôi.
ST: Buitiendung.com