Tập 52: Chuyện cái cối xay – Trên đường băng

Nếu như café chúng ta có thể tự rang, tự xay để uống, thì từ hạt cacao làm thành sô-cô-la là quá trình hết sức phức tạp. Người ta phải ủ lên men mất mấy tháng, nên nông dân chẳng có giải pháp nào khác ngoài việc bán nguyên liệu thô. Trong một lần du lịch sang nước ta, hai cậu tây ba lô nọ phát hiện ra Việt Nam trồng được cây cacao, thế rồi hai cậu quyết định ở lại, mày mò chế biến sô-cô-la thủ công như ở châu Âu thế kỷ trước. Và đặt tên thao vùng trồng, như Bến Tre hay Lâm Đồng…với hàm lượng cacao tinh chất. Giờ thành công lắm, xuất khẩu đi nhiều nước.

Và các bạn trẻ, nếu thất nghiệp, nghiên cứu sản xuất cái này xem. Thị trường mênh mông, mấy nước ôn đới như Hàn, Nhật, Âu, Mĩ, Trung Quốc, Nga,…trồng cây này đâu có được. Trong khi đó hàng triệu quá café trên khắp hành tinh, người ta vào ra cầm những li cacao nóng hổi hay đá xay mát lạnh từ sáng tới khuya, tiêu thụ khủng khiếp lắm.

Bạn trẻ, hãy lao vào làm đi, đừng ngồi thở dài. Học ngành gì không quan trọng, ra trường mấy năm rồi xin việc đúng ngành không được thì cứ đi làm theo đam mê của mình, chờ đợi thì đến bao giờ. Nghề chọn người. Thất nghiệp là do mình dở dù tấm bằng giỏi. Nếu lúc mình ngồi trên ghế nhà trường, mình chăm chỉ học hành, ngoại ngữ tốt, văn hóa sâu, mọi kĩ năng mềm đều thành thạo, tính tình vui vẻ, nhân hậu, nhân văn…thì mắc mớ gì không có việc. Toàn định lý, tiên đề, bảng tuần hoàn, công thức của mấy ông Tây Newton, Darwin, Medeleev, Einstein,…phát minh ra mấy trăm năm trước, giờ ngồi nhớ và viết ra y chang, rồi tốt nghiệp khá giỏi nhưng không xin được việc, tiếp tục ép cha mẹ bóp mồm bóp miệng dưới quê gửi lên thành phố nuôi nữa, sao mình ác vậy? Quan điểm của Tony là, nên học càng nhiều càng tốt, Tony khuyến khích mọi người học đại học, rồi cao học, tiễn sĩ…nhưng phải tự kiếm việc làm thêm để trang trải chi phí chứ không phải xin tiền cha mẹ. Từ năm hai đại học, Tony đã tự kiếm tiền để ăn học miết đến nghiên cứu sinh rồi. Tony thích học lắm. Học để mà biết làm việc chứ không vì bằng cấp.

Có bạn ngồi đọc những bài như vậy và tặc lưỡi, giá như, giá như, rồi nhắn tin: “Dượng ơi, Dượng đã ở đâu trong suốt bốn năm con học đại học?”. Có hai người bạn của Tony, từng nói là: “Bọn tôi chỉ ở Hà Nội, hoặc cùng lắm là vào khu Phú Mỹ Hưng miền Nam”. Sau đó năm 2007 sạt nghiệp vì chứng khoán, chạy ăn từng bữa. Nghe lời Tony, vượt qua sự kiêu hãnh gì đó không rõ của người thủ đô, một bạn về Cà Mau, xin vào phòng xuất khẩu một công ty thủy sản, một bạn về Lâm Hà (Lâm Đồng), xin vào làm kế toán cho một nông trường café. Lúc ra đi, bạn bè họp ở café Hàng Mành trề môi khinh bỉ, nói phải đi tha hương cầu thực à, xấu hổ nhỉ. Mới có mấy năm thôi, dù cực khổ vất vả chút, nhưng chăm chỉ và có đầu óc nên hai bạn ấy tích lũy mua đất nuôi tôm, trồng bơ,…làm chủ những nông trường nông trại lớn. Hôm bữa nhận thiệp mời sinh nhật, thấy ghi: “Mời Tony đến nhà hàng số…đường Orchard Road, Singapore để dự sinh nhật của bà tôi vào lúc…”. Con cái tụi nó đều học trường quốc tế, mùa thu thì vợ cái cần, chồng cái cần cùng nhau đi biển Caribe câu cá, đời sống phong lưu tuyệt đỉnh. Tony nói kẹt tiền là mang lên cho mượn một tỉ liền. Hai bạn còn đem hết bà con ngoài ấy vào, giờ thành danh gia vọng tộc. Còn đám bạn có cái môi-hay-trề hôm bữa, kiên quyết đeo bám năm cửa ô, ngõ nhỏ-phố nhỏ-tâm hồn nhỏ. Cứ sáng sáng ngồi uống nước chè, kẹp hai tay vào đùi, hít hà cãi nhau chuyện cái trứng hay con gà có trước, chuyện gì cũng biết, cũng nói được…nhưng chỉ có làm là lại không được. Tối tối tự sướng lên đĩa thịt chó và mấy lá mơ long, nuốt rượu ừng ực trong tiếng chỉ chiết chuyện tiền nong của vợ con.

Có tài năng thật sự là phải sáng tạo ra cái mới, phải tạo ra việc làm cho người khác. Hàn Quốc có 50 triệu dân thôi mà xe hơi có mấy hãng, điện tử có mấy hãng, xe máy có mấy hãng, mĩ phẩm, hóa dầu, công nghệ…Còn mình có tới 90 triệu bộ óc, cũng học ô-mê-ga-tê-cộng-phi, cũng sin cũng cos, mà có mỗi chiếc xe máy Made in Vietnam vẫn phải ngồi mơ. Trong khi ai cũng sở hữu một chiếc xe máy và ngày nào cũng leo lên nó, nhưng toàn nhãn hiệu Honda, Daelim, Suzuki, Yamaha, Lifan, Piaggio,…không thấy xe máy hiệu Cây Dừa, Con Vịt. Toàn giành nhau vào ngồi mấy trường Ngoại thương, kinh tế, Bách Khoa, tự hào tôi thi 27 điểm, vào các trường tốp đầu của Việt Nam, có gì đâu mà tự hào? Sao mình được đào tạo làm cử nhân ngoại thương (tức thương mại với quốc tế) mà chẳng giúp đất nước tìm kiếm thị trường xuất khẩu gì cả, cứ lo xin vô mấy công ty đa quốc gia làm marketing kiếm tháng mấy trăm đô la? Sao mình làm kĩ sư cơ khí điện tử mà năm năm ngồi ghế giảng đường, không có công trình, đề tài gì có thể ứng dụng, cầm cái bằng kĩ sư ấy về nhà nói mẹ cha có quen ai thì xin việc cho con. Rồi xin không được thì ngồi khóc?

Người Nhật phát triển xe máy Honda, sau đó đem qua Hàn Quốc, Đài Loan. Người Hàn, người Đài học theo phát triển ngay với thương hiệu Daelim, SYM,…Người Nhật phát minh ra bột ngọt Ajinomoto, sau đó đem qua sản xuất ở Hàn, người Hàn bắt chước tự sản xuất bột ngọ Miwon, người Đài Loan bắt chước sản xuất bột ngọt Vedan.

Khi hãng trà Lipton đặt nhà máy sản xuất ở Srilanka, người Srilanka đã tự mình xây dựng thương hiệu trà Dilmah. Người Philippine tự hào vì có Jolibee, Sanmiguel…lừng lẫy, học tập từ mô hình thức ăn nhanh hay rượu bia của Mỹ. Học tập từ mô hình của nước ngoài, và xây dựng một nền sản xuất Việt, cái gì mình cũng sản xuất được, cũng Made in Vietnam chính là nhiệm vụ của thế hệ trẻ. Xã hội nên có những quỹ Hành Bổng cho học sinh trường nghề bên cạnh mấy cái quỹ Học Bổng. Vì sản xuất là cốt lõi của một nền kinh tế hùng cường.

Và phải đi. Đi du lịch, đi du học, đi đó đi đây, đi tỉnh xa khởi nghiệp. Ngày xưa tụi Tây còn giong buồm bằng vải thô sơ đi ra khơi xa, hải trình đầy bất trắc vì không biết sóng gió thế nào, mua bán giao thương qua những con đường tơ lụa. Đến Hội An, bạn sẽ thấy người Hoa, người Nhật, người Hà Lan…đã đến từ mấy trăm năm trước, bằng những chiếc thuyền bé tẹo vượt đại dương. Để gia đình, dân tộc họ giàu có. Còn mình cứ ru rú không dám đi đâu, như đám “gà què ăn quẩn cối xay”, canh me coi có rớt hột thóc nào thì nhặt hột đó. Mà bây giờ, công nghệ xay xát đỉnh cao, dễ gì rớt nhiều như hồi xưa nữa. Đành rằng nó bị què, nó mới kiếm ăn quanh cối thóc, mình lành lặn thể trạng và trí óc, mắc mớ gì suốt ngày cũng quanh quẩn giành thóc với mấy con gà què tội nghiệp vậy?

Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ,…hãy còn nhiều cơ hội!

Phải lao ra đồng xa mà bươi đất kiếm ăn, xây dựng những nông trại, những nhà máy mang tên mình. Sống có một cuộc đời thôi, sao chết vô danh vậy?

Nguồn: Trên đường băng

Tony Buổi Sáng
Theo TnBs

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related post

Trên đường băng – Tony buổi sáng

“Trên đường băng” là cuốn sách đầu tiên mình đọc từ tác giả Tony buổi sáng, [...]

Tập 1: Chuyện ở Trung Đông – Trên đường băng

  Các quốc gia ở Trung Đông hầu hết nằm trên những giếng dầu khổng [...]

Tập 2: Chuyện thằng Quân – Trên đường băng

Năm ngoái, lúc tìm đơn vị thi công cho Villa De Tony ở quận 9, [...]

Tập 3: Một đời xớ rớ – Trên đường băng

Xớ rớ là một từ rặt Nam bộ, chỉ hành động quanh quẩn một chỗ [...]