Tập 32: Chị lái đò – Trên đường băng

tap-32-chi-lai-do-tren-duong-bang-tony-buoi-sang

Hôm nọ, Tony đi cà phê với Mr John, giám đốc 1 công ty ở Bình Dương. John nói tao phỏng vấn tuyển nhân viên, có 3 ứng viên đều đạt tiêu chuẩn. Tao chờ coi ai gửi thư cám ơn thì sẽ nhận, vài dòng “cám ơn đã dành thời gian phỏng vấn tôi” như là một phép lịch sự, dù không có bắt buộc. Chờ miết không thấy đứa nào gửi. Nên đành phải phỏng vấn tiếp.

Tony nói mày nên kiếm đứa nào mới ra trường, trường nào cũng được, mặt mũi thông minh lanh lẹ, miễn là có đọc Tony Buổi Sáng thì đều là đứa khá về mặt tư duy và đạo đức rồi đào tạo chuyên môn, ươm trồng rồi hái quả.

Nói mới nhớ. Có mỗi cái hậu thư (follow-up letter) hay thư cám ơn (thank-you letter), sao ít ai biết. Nhiều bạn kém một chút, nhưng phỏng vấn xong, về nhà gửi thư cảm ơn. Nhờ cái thư đó mà được nhận vào làm. Vì hành động chút xíu đó thể hiện sự chỉnh chu, tinh tế, biết trước biết sau, kỹ càng, lịch sự. Doanh nghiệp thấy đứa nào tính tình dễ thương, sau này đối tác khách hàng gì cũng sẽ yêu mến mà mọi việc thuận buồm xuôi gió. Làm cái gì cho công ty cũng hanh thông vì người ta có cảm tình.

Cám ơn là câu cửa miệng, nhưng người mình thì ngày càng hiếm hoi. Chữ cám ơn một cách thật lòng, xuất phát từ lòng biết ơn chân thành, là 1 tiêu chí để đánh giá con nhà có giáo dục tốt từ cha từ mẹ.  Người ta cho mình cái gì, dù nhỏ xíu xìu xiu, cũng phải biết ơn. Còn cũng có thể loại đi tới nhà người ta đãi ăn đãi uống đã đời, về im thin thít. Chỉ có cái tin nhắn “ đã về nhà an toàn, cám ơn anh về bữa tối hôm nay”, thật ra cũng chỉ là thông báo đã về an toàn nhưng cũng không nhắn. Đi công tác nước ngoài cũng vậy, lúc ra sân bay ở bển thì ôm hôn tạm biệt thôi là tạm biệt, nhưng về nước thì không có nổi cái email “cám ơn về sự đón tiếp của bạn” ( thanks for your hospitality). Phép lịch sự và lòng biết ơn tối thiểu này, nếu không có, khi ra quốc tế, người ta nói người mình thực dụng thế này vô cảm thế kia. Lúc trên sông thì ngon ngọt với cô lái đò, qua sông là phủi tay cái rẹt. Vài bữa đi đò lại thì lại năn nỉ ỉ ôi, em chào chị, chị lái đò của em…

Ngày 20/11 thì chỉ đi thăm thầy thăm cô lúc đang còn học lớp của họ, chứ học xong là quên luôn, gặp ngoài đường nói ông này bà này nhìn quen quen à nha. Lúc cần xác nhận bảng điểm hay bằng cấp hay thư tiến cử đi xin học bổng gì đó, thì lại vác mặt đến nói cô nhớ em không ạ, em Tèo lớp cô ngày xưa nè, giả là kỷ niệm này kỷ niệm kia. Nhiều thầy cô ký đại cho xong chứ chẳng biết nó là ai, và nó cũng chằng cần gì ngoài chữ ký ấy.

Cũng có thể loại người, cả chục năm không gọi không liên hệ gì với bạn bè cả, lâu lâu gọi, nói tao Nguyễn Văn Tí nè, bạn lớp 7 của mày nè, nhớ hông nhớ hông. Thì y như là: 1-mượn tiền, 2- mời đám cưới, 3- nhờ vả gửi con gửi cháu hay bán hàng đa đoan hay đa tình gì đấy. Tony gặp thể loại bao nhiêu năm tìm cách liên lạc lại chỉ để vay mượn tiền là từ chối thẳng, nói cho mày mượn tiền rồi sao lấy lại được, không lẽ chục năm sau mày lại xuất hiện rồi trả? Nó giận dỗi nói, mày không coi trọng bạn học gì cả. Bạn học là cái gì đâu, chẳng qua trời xui đất khiến sao đó mà hồi đó ngồi chung với mày một lớp vậy thôi chứ gì mà ghê vậy. Tony nghĩ dù là bạn gì cũng vậy, phải có tình cảm có gặp gỡ với nhau, giao lưu với nhau, chứ chỉ xuất hiện lúc cần, xong biến mất, rồi lại xuất hiện, thì mối quan hệ đó để làm gì. Mình chỉ có 24 giờ trong ngày, đi làm hết 8 giờ, ngủ hết 8 giờ, cò có 8 giờ và có tới bảy tỷ người trên trái đất này. Hãy dành thời gian cho người xứng đáng.

Nhiều người chả rõ tôn giáo mình là gì, lâu lâu đến chùa đến miếu là để xin. Xin tiền, xin duyên, xin thi đậu, xin cho con lấy được đại gia, cho con trúng số… toàn xin với xỏ, chứ giáo lý Phật pháp 1 chữ không biết, chẳng biết cái miếu đó thờ ai. Mua chim thả phóng sinh, thả cá thả rùa, trong khi trong tâm thì chẳng bao giờ làm điều tốt, chẳng thương người, sống ích kỷ, chỉ biết cho mình, vun vén cho bản thân và gia đình mình.

Nhóm người Khôn quá Khôn này đều không thành công cả trong công việc lẫn cuộc sống vì thánh thần và người phàm chẳng ai yêu thương cái thêt loại thực dụng ấy. Có những đám cưới, mời 20 bàn mà chỉ có 5 bàn có khách đi, 15 bàn còn lại vắng hoe ruồi bay qua bay lại. Thì ráng chịu chớ buồn bã làm gì? Sao không ăn ở như bát nước đầy đi, thì làm gì có chuyện cô dâu chú rể ôm nhau khóc vì lỗ chỏng gọng sau đám cưới?

Ban đêm về, ngồi đếm tiền, rồi cãi lộn, chú rể mắng nói tại em mời khách mà khách không đi, cô dâu cũng nói tại anh. Đổ qua đổ lại…

Rồi động phòng không xong, biến thành động thủ. Đánh nhau rầm rầm, mặt mũi sưng húp…

Nhưng sáng hôm sau, đôi uyên ương phải thật sớm, ngồi ăn cho hết 15 phần thức ăn nhà hàng gói mang về.

15 cái lẩu. Trời ơi. Ăn muốn lòi họng.

Nguồn: Trên đường băng
Tony Buổi Sáng
Theo TnBs

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related post

Trên đường băng – Tony buổi sáng

“Trên đường băng” là cuốn sách đầu tiên mình đọc từ tác giả Tony buổi sáng, [...]

Tập 1: Chuyện ở Trung Đông – Trên đường băng

  Các quốc gia ở Trung Đông hầu hết nằm trên những giếng dầu khổng [...]

Tập 2: Chuyện thằng Quân – Trên đường băng

Năm ngoái, lúc tìm đơn vị thi công cho Villa De Tony ở quận 9, [...]

Tập 3: Một đời xớ rớ – Trên đường băng

Xớ rớ là một từ rặt Nam bộ, chỉ hành động quanh quẩn một chỗ [...]